Tàu Thực Nghiệm 1 của Trung Quốc, hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, “đừng trách là không báo trước”
Bài viết phân tích hoạt động của tàu khảo sát Thực Nghiệm 1 ở Trường Sa, hoạt động của tàu sân bay Ronald Reagan và nhận định về bài bình luận đáng chú ý của Nhân Dân nhật báo về Đài Loan.
1. Tàu Thực Nghiệm 1 (Shi Yan 1) Trung Quốc xuống Trường Sa
Tàu khảo sát Thực Nghiệm 1 xuất phát từ cảng Hải Khẩu (Trung Quốc) xuống Biển Đông từ ngày 13.10 và nay chiếc tàu này đang neo ở Đá Chữ Thập.
Di chuyển của chiếc tàu khảo sát này được lưu ý đầu tiên vào ngày 15.10. Hiện chưa ghi nhận điều gì bất thường trong hoạt động của tàu Thực Nghiệm 1 ngoài việc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên đường đi xuống Đá Chữ Thập.
Theo đó, tàu hải cảnh 2305 có di chuyển xuống vùng biển ngang tỉnh Quãng Ngãi trong ngày 14.10 nhưng sau đó đã quay ngược trở lên phía bắc.
Việc tàu Thực Nghiệm 1 không có hải cảnh đi theo hộ tống gợi ý mục đích của nó không phải là tiến hành hoạt động khảo sát phi pháp trong vùng biển Việt Nam.
Theo kinh nghiệm trước đây, chiếc tàu này có thể xuống Trường Sa vì sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông những ngày qua.
Vào tháng 7, nhiều tàu khảo sát Trung Quốc cũng xuất hiện ở phía nam Biển Đông, trùng với thời điểm các nhóm tàu sân bay Mỹ được triển khai đến khu vực. Thông thường, luôn có tàu ngầm được triển khai hộ tống các nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhiệm vụ của các tàu khảo sát này cũng có thể là dò tìm tàu ngầm.
2. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan
Ngày 15.10, Hạm đội Thái Bình Dương xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay đã trở lại Biển Đông như thông tin đã đưa vào ngày 13.10.
Thông báo của phía Mỹ lưu ý đây là lần thứ ba nhóm tàu Mỹ quay trở lại Biển Đông trong năm 2020 (thực ra chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng kể từ tháng 7).
Công bố chính thức của Hải quân Mỹ cho biết đội tàu hộ tống của Ronald Reagan bao gồm tuần dương hạm USS Antietam (CG 54), hai khu trục hạm USS Halsey (DDG 97) và USS John S. McCain (DDG 56).
Trong đó, USS John S. McCain (DDG 56) là tàu ở lại Biển Đông tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa cách đây vài ngày trong khi các tàu còn lại ra Ấn Độ Dương. Một khu trục hạm khác là USS Barry (DDG 52) không thuộc nhóm tác chiến này đã băng qua eo biển Đài Loan lên Hoa Đông ngày 14.10.
Những bức hình được Hải quân Mỹ công bố cũng cho thấy các chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet mang theo tên lửa đã tiến hành hoạt động bay trong ngày 15.10, bất chấp thời tiết mưa bão đang hoành hành ở Biển Đông.
Không rõ nhóm tác chiến này có phải trở lại Biển Đông theo kế hoạch định trước hay không. Tuy nhiên, có một chi tiết cũng đáng lưu tâm là truyền thông Ấn Độ ngày 10.10 đưa tin tàu Ronald Reagan sẽ tham gia cuộc diễn tập tương tác PASSEX với Hải quân Ấn Độ trong ngày 12.10.
Thậm chí tờ The Hindu còn dẫn một nguồn tin cho biết cuộc tập trận nhiều khả năng diễn ra ngoài khơi cảng Kochi, tức nằm bên phía Biển Ả Rập và cách eo Malacca hơn 1.000 hải lý.
Thế nhưng, từ đầu ngày 12.10 nhóm tác chiến tàu sân bay này đã trên đường băng qua eo Malacca. Hơn nữa, không có công bố nào từ phía Mỹ hoặc Ấn Độ về một cuộc diễn tập giữa hải quân hai nước ở Ấn Độ Dương trong vài ngày qua.
Như vậy, nếu nguồn tin của tờ The Hindu là đúng thì nhiều khả năng hai nước đã hủy bỏ cuộc diễn tập vào phút chót. Và nếu như vậy thì sẽ phát sinh câu hỏi vì sao tàu Ronald Reagan hủy kế hoạch định trước để trở lại Biển Đông?
3. “Đừng trách là không báo trước”
Ngày 15.10, tờ Nhân Dân nhật báo gây xôn xao với bài bình luận về Đài Loan, trong đó có câu “đừng trách là không báo trước” (vật vị ngôn chi bất dự).
“Đừng trách là không báo trước” được xem là một lời cảnh báo ngoại giao đặc sắc Trung Quốc, thường được Nhân Dân nhật báo hoặc Tân Hoa xã sử dụng ở những thời điểm nghiêm trọng, có thể xem là tối hậu thư.
Câu này nổi tiếng vì từng được Nhân Dân nhật báo sử dụng trước chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 và trước cuộc tấn công xâm lược Việt Nam năm 1979. Nó cũng từng được sử dụng khi căng thẳng leo thang với Liên Xô trước sự kiện đảo Trân Bảo năm 1969.
Bởi vậy, không ít người xem đó là một tín hiệu leo thang cảnh báo đối với Đài Loan. (Thực tế không phải chỉ có ba lần sử dụng này).
Tuy nhiên, hình thức và nội dung của bài bình luận trên Nhân Dân nhật báo ngày 15.10 có vài điểm khác so với các lần sử dụng nổi tiếng nêu trên.
Đầu tiên, đây là bài bình luận về vấn đề tình báo và gián điệp Đài Loan, chứ không phải trong vấn đề quan hệ xuyên eo biển rộng hơn.
Thứ hai, đây là bài bình luận ký tên chứ không phải là bài xã luận của ban biên tập, tức quan điểm của Chính quyền Trung Quốc, như những lần trước. Bài viết cũng nằm ở trang 7 chứ không phải trang nhất.
Bài bình luận ký tên An Bình, gợi ý nó là bài bình luận của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc hoặc bài bình luận về vấn đề an ninh quốc gia.
Vì thế, nó chưa phải ở mức nghiêm trọng như là “tối hậu thư” báo hiệu chiến tranh. Có thể so sánh lần sử dụng này với bài viết vào ngày 29.5.2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang. Câu này khi đó cũng được Nhân Dân nhật báo sử dụng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cảnh báo về việc sử dụng vũ khí đất hiếm để trả đũa Mỹ.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan, nhưng xét về hệ thống tín hiệu cảnh báo chiến tranh của Trung Quốc thì nó chưa phải ở mức quá nghiêm trọng.
Duân Đặng
* Bài viết sử dụng thông tin và nhận định chủ quan của tác giả