+
Aa
-
like
comment

Tăng trưởng, hội nhập và khát vọng về một Việt Nam cường thịnh

25/01/2020 16:00

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam 2019 tiếp tục đạt nhiều thành tựu với những kỷ lục mới trên nhiều mặt, làm tiền đề vững chắc, tạo động lực mới, khẳng định thêm niềm tin và khát vọng về một Việt Nam cường thịnh trong tương lai.

Tiếp đà tăng trưởng, củng cố nội lực trong nước

Kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2019 phải kể đến tốc độ tăng trưởng GDP hơn 7%, Trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm thì tăng trưởng của Việt Nam là trên 7%, một trong những nước tăng trưởng cao nhất châu Á và thế giới. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp. Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục, trên 9 tỷ USD. Với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt được con số khoảng 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong số đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, cao hơn chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra với mức tăng từ 7 – 8%. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu, giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp. Kết quả này giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.

Với xếp hạng cao về thu hút đầu tư, đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, vượt 23 bậc so với năm ngoái, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư kỷ lục đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến ngày 20/12, vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với 2018; 3.833 dự án mới đăng ký với 16,75 tỷ USD, bằng 93,2%, 1.381 dự án điều chỉnh vốn 5,8 tỷ USD, tăng 18,1%; 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần với 15,47tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Môi trường kinh doanh năm 2019 tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.

Đời sống nhân dân được nâng lên khi với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Cũng theo tổ chức này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới và với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cũng đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.

Tăng trưởng, hội nhập và khát vọng về một Việt Nam cường thịnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực

Đánh giá về kinh tế chính trị xã hội năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đất nước ta vừa đi qua năm 2019 – một năm đầy ắp các sự kiện với nhiều hoạt động rất sôi động và phong phú. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Khẳng định vị thế, Hội nhập mạnh mẽ qua 3 trụ cột đối ngoại

Năm 2019, trong bối cảnh tình hình quốc tế xuất hiện các nhân tố bất ổn, bất định, cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn cũng nổi lên rõ hơn. Tình hình Biển Đông có những diễn biến mới, phức tạp hơn, công tác đối ngoại của ta đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Quốc phòng – An ninh, đối ngoại nhân dân. Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; phối hợp chặt chẽ với quốc phòng- an ninh góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đưa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác chủ chốt, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu; nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Đối ngoại toàn diện trên 3 trụ cột Đảng-Nhà nước-Quốc hội được thể hiện rõ nét qua hiệu quả các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo Việt Nam như chuyến thăm Lào và Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong các ngày 24-25/2 và 25-26/2/2019 đã mở màn cho một năm với nhiều chuyến công du nước ngoài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Việc chọn Lào, Campuchia là những nước đến thăm đầu tiên chính là khẳng định chính sách nhất quán và sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong quan hệ với Lào và Campuchia, hai nước láng giềng cận kề, có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời và có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với Việt Nam.

Tăng trưởng, hội nhập và khát vọng về một Việt Nam cường thịnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”

Từ ngày 25-27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến tham dự Diễn đàn thể hiện rõ Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, với nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Thủ tướng Nga Medvedev từ ngày 20-23/5/2019. Chuyến thăm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh. Nga khẳng định ủng hộ Việt Nam giải quyết mọi tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Từ ngày 27/6-1/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Với gần 60 hoạt động trong chương trình làm việc khẩn trương, chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; nâng cao vị thế quốc gia, đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần vì hòa bình, phồn vinh, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc, Hội nghị Cấp cao Mekong – Hàn Quốc lần thứ nhất từ ngày 24-28/11/2019, với 30 hoạt động song phương và đa phương, chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo động lực cho một “kỳ tích mới” trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, góp phần đưa quan hệ hợp tác ASEAN – Hàn Quốc lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Tăng trưởng, hội nhập và khát vọng về một Việt Nam cường thịnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và có bài phát biểu quan trọng trước các Nghị sỹ Hội đồng Liên bang Nga

Từ ngày 30-31/3/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, triển khai kết quả chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cụ thể hóa Tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về hợp tác nghị viện; đồng thời là dấu mốc mới trong việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Cộng hòa Pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại Hội đồng AIPA 40 và thăm chính thức Thái Lan từ ngày 25-30/8/2019. Chuyến thăm đã khẳng định sự tích cực và chủ động của Quốc hội Việt Nam với Đại hội AIPA 40 cũng như tinh thần xây dựng đoàn kết nội khối cùng các nước trong ASEAN triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, triển khai các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hoá- Xã hội. Mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực.

Đặc biệt với vai trò kép trong năm 2020, đảm nhiệm hai trọng trách quan trọng: Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã xác định chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 và “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” khi đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021″.

Ngày 2/1/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc, mở đầu cho nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực HĐBA, đồng thời là Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng đầu tiên là vinh dự hết sức lớn lao. Đại sứ khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp vào công việc của HĐBA nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đồng thời bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ những nỗ lực Việt Nam, không chỉ trong Tháng Chủ tịch mà trong cả thời gian sắp tới.

Tiếp đến ngày 6/1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chủ trì lễ khởi động Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. Với chủ đề của năm ASEAN 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, sẽ nỗ lực hết sức mình hợp tác cùng các nước thành viên, thực hiện thành công các trọng tâm ưu tiên của năm ASEAN 2020 và đó cũng là đóng góp thiết thực của Việt Nam cho một tương lai tươi đẹp hơn của ASEAN.

Khát vọng về một Việt Nam cường thịnh

Với những kết quả ấn tượng trên cả hai bình diện, kinh tế tăng trưởng bất chấp xu hướng suy giảm của kinh tế thế giới, hội nhập sâu rộng ngày càng khẳng định uy tín, vai trò tích cực trên diễn đàn quốc tế, các tổ chức quốc tế đã có những nhận định và dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020. Về triển vọng kinh tế Việt Nam trước mắt và trong trung hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong những năm tới đây, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn khá vững vàng.

Tuy nhiên, bước vào năm 2020 và những năm tiếp theo, Việt Nam cũng đối diện với không ít những khó khăn. Đó là, chỉ số đổi mới sáng tạo vẫn còn ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Một báo cáo được Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây cho thấy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%/năm và 7 – 8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực vào năm 2045. Điều này càng đặt ra thách thức cho kinh tế Việt Nam 2020, năm cuối cùng của Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2016 – 2020. Cùng với đó là sức ép về cắt giảm thuế quan, về cải cách thể chế vẫn đang là những thách thức, những  khó khăn trong năm 2020 và những năm tiếp theo chúng ta buộc phải thực hiện. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như CP TPP, EV FTA, mở ra những  cơ hội mới nhưng cũng đã và đang đặt Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức mới…

Tăng trưởng, hội nhập và khát vọng về một Việt Nam cường thịnh
Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Song trên hết mọi điều, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định trước Quốc hội và cử tri ở Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”.

Theo Thủ tướng, “Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”.

Cùng với đó Việt Nam đã chính thức thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân.

Cho rằng, chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Thủ tướng kêu gọi tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, mỗi người phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị, cùng thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Mỗi người hãy khơi dậy sức sáng tạo với ngọn lửa đầy nhiệt huyết và đam mê, hành động mạnh mẽ, quyết liệt trên mỗi cương vị của mình để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang.

Thủ tướng giao 3 cơ quan xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáoThủ tướng dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Di tích Nhà 67Tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnhThủ tướng: Cần bảo đảm pháp luật phải được thực thi nghiêm minhThủ tướng: Không để tình trạng Việt Nam “chưa giàu đã già”

Xuân Lan/CL

Bài mới
Đọc nhiều