Tặng huy chương bạc cho kẻ từng phạm tội ấu dâm: Sự ngộ nhận về 2 từ tha thứ
Trong bối cảnh, liên tiếp xuất hiện những sự việc rúng động, gây phẫn nộ liên quan đến trẻ em, thì dư luận một lần nữa bị sốc khi một nghệ sĩ từng bị phạt về tội ấu dâm trẻ em được trao huy chương Bạc trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Chưa dừng lại ở đó, khi nói về vấn đề này, một vị cục phó đã cho rằng, “Chọn cảm hóa hay đẩy họ vào bước đường cùng“?
Dù không muốn nhắc lại, nhưng năm 2017 Việt Nam là một cái tên được nhắc đến nhiều liên quan qua sự việc diễn viên Minh Béo phạm tội ấu dâm và bị tòa án Mỹ tuyên 9 tháng tù giam và nộp phạt 370 USD. Sau khi bị trục xuất tại Mỹ, Minh Béo phải cung cấp mẫu DNA cho tiểu bang và địa phương, bị ghi tên vào danh sách tội phạm tình dục suốt đời tại California, Mỹ. Nói như vậy để hiểu sự nghiêm khắc của pháp luật Mỹ dành cho tội ấu dâm là như thế nào.
Mặc dù thời điểm đó, Việt Nam chịu rất nhiều ảnh hưởng từ sự việc, nhưng khi Minh Béo bị trục xuất khỏi Mỹ, quốc gia vẫn giang tay đón nhận. Mặc dù vẫn chịu sự quản chế nhất định nhưng Minh Béo vẫn được tham gia vào các hoạt động nghệ thuật.
4 năm sau, khi mọi việc đã tạm lắng, dường như Minh Béo đã bắt đầu ổn định trên con đường làm nghệ thuật thì sự việc bị khuấy đảo lên lần nữa chỉ vì một tấm huy chương Bạc. Tất nhiên, chẳng ai dại dột mà làm sai quy trình khi cấp huy chương cho một ai đó. Thế nhưng câu chuyện ở đây, không phải chuyện đúng sai khi cấp bằng mà là người nhận huy chương đó có thực sự xứng đáng?
Các ông cho rằng việc trao giải là vinh danh trong nghệ thuật, với người nghệ sĩ chứ không xét đến vấn đề cá nhân. Thế nhưng, nếu người nghệ sĩ đó dùng chính nghề nghiệp của mình để tiếp cận, dụ dỗ, từ đó có hành vi phạm tội với trẻ em, thì liệu có xứng đáng được gọi là nghệ sĩ? Rồi còn cả trao cả huy chương vinh danh? Một người phạm tội khi làm nghệ thuật và dùng nghệ thuật để phạm tội nhưng lại được tôn vinh đúng cái nghề mà họ dùng phạm tội, nghe nó có nực cười và chua chát không?
Lại nói, đừng quy chụp vào việc cảm hóa hay dồn vào bước đường cùng ở sự việc này. Bởi rõ ràng, sau khi phạm tội trở về Minh Béo vẫn đang sống như một công dân bình thường, cũng vẫn mở lớp tuyển sinh kịch cho các bạn nhỏ và cũng vẫn lưu diễn. Có ai dám lao vào đánh hay ngăn chặn con đường làm nghệ thuật đâu? Còn vấn đề được khán giả đón nhận hay không lại là một câu chuyện khác. Cũng không cần nói về truyền thống đạo đức, “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại” của người Việt. Bởi đã xuất hiện những tố cáo về việc Minh Béo tiếp tục mở lớp chiêu sinh, gạ tình diễn viên trẻ. Dư luận họ phẫn nộ không phải là không có nguyên do. Nhất là đối với những tội liên quan đến trẻ em như thế!
Và cũng xin nói thêm rằng, đã có sự ngộ nhận về 2 chữ tha thứ trong sự việc này. Có thể các anh chọn cách tha thứ chỉ dựa trên yếu tố chuyên môn, nhưng với khán giả thì điều đó phải dựa trên cả đạo đức. Không phải khán giả không tha thứ mà đối với họ những điều Minh Béo làm chưa đủ để tha thứ. Và chính khán giả mới là người quyết định Minh Béo có đáng được tha thứ hay không, chứ chẳng phải từ một tấm huy chương nào cả.
Và đừng quên, cứ bước lên được sân khấu là mặc định được coi là nghệ sĩ. Nghệ thuật là hướng con người ta đến những điều tốt đẹp, mà chính những người truyền tải – nghệ sĩ phải làm gương, phải có đạo đức. Chứ có thứ nghệ thuật nào đổi tình để lấy vai diễn? Nghệ sĩ mà không có khán giả thì diễn cho ai xem?
Thu An