+
Aa
-
like
comment

Tầm nhìn 2045: Kỳ vọng và yêu cầu mới với các nhà lãnh đạo

28/12/2020 06:07

Các phát biểu của lãnh đạo cấp cao gần đây và dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 cho thấy tầm nhìn lãnh đạo của Đảng là đến 2045, đưa đất nước ta trở thành “nước phát triển và có thu nhập cao”. 

Đây thực sự là một thách thức lãnh đạo cho 25 năm tới nếu xét các điều kiện hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, tầm nhìn lãnh đạo nêu trên cũng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, thu hút sự thảo luận của đông đảo các tầng lớp cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong cả nước.

Cháy bỏng khát vọng quốc gia hùng cường

Độc lập dân tộc và quốc gia hùng cường luôn là một khát vọng nhất quán của Đảng kể từ khi thành lập và thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, tại hội nghị Trung ương lần thứ 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh các lợi ích của nhân dân, của dân tộc, đó là độc lập và tự do.

Tầm nhìn 2045: Kỳ vọng và yêu cầu mới với các nhà lãnh đạo
Các tuyến metro đang được xây dựng giúp phát triển giao thông công cộng ở TP.HCM. 

Năm 1945, thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng cháy bỏng khát vọng đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Tinh thần này tiếp tục được khẳng định trong “Lời kêu gọi” do Chủ tịch nước công bố năm 1966: Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Sau khi đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” hay một Việt Nam “phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045” là những giá trị và tầm nhìn lãnh đạo thể hiện sự tiếp nối khát vọng quốc gia hùng cường của các thế hệ lãnh đạo tiền bối.

Gắn với mỗi giai đoạn lịch sử, các tầm nhìn lãnh đạo khẳng định sứ mệnh chính trị cao nhất của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác”.

Bối cảnh mới và những thách thức lãnh đạo nan giải

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 4 đặc điểm chính về bối cảnh lãnh đạo trong thế giới hiện nay: phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau, thay đổi nhanh, và sự không chắc chắn.

Những đặc điểm này khiến cho các thách thức lãnh đạo ngày càng trở nên nan giải đó là những vấn đề được hình thành bởi nhiều nguyên nhân có liên quan đến nhau, xuất hiện trong bối cảnh thay đổi nhanh, nhiều chủ thể và lợi ích phụ thuộc lẫn nhau, phức tạp về các mối quan hệ, và đa dạng về quan điểm đánh giá hay xử lý vấn đề.

Trước những vấn đề mới và nan giải, các nhà lãnh đạo không có sẵn phương án để xử lý. Không một cá nhân hay tổ chức đơn lẻ nào có thể giải quyết hay cung cấp câu trả lời cho các vấn đề đó. Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho những phương thức lãnh đạo truyền thống. Nói cách khác, phương châm và cách thức lãnh đạo quốc gia cần có sự điều chỉnh để có thể thích ứng và bảo đảm khả năng thành công cho các tầm nhìn lãnh đạo.

“Thịnh vượng”, “hùng cường”, “dân chủ”, “công bằng”, “văn minh”, “lòng tin chính trị”… là những giá trị mang tính tập thể mà các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ có trách nhiệm phải hiện thực hóa thông qua các hoạt động thực tiễn.

Đây cũng chính là cơ sở để chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất cho các nhà lãnh đạo chính trị là vun đắp và bảo vệ các giá trị chung, được chia sẻ bởi các thành viên trong cộng đồng, và là nền tảng cho việc xây dựng một quốc gia phát triển bền vững.

Kỳ vọng về các nhà lãnh đạo

Hẳn nhiên, đó trước hết phải là những nhà lãnh đạo luôn ý thức về lợi ích của nhân dân, của quốc gia và dân tộc. Tinh thần vì nhân dân, vì dân tộc và đất nước là sự tiếp nối truyền thống “Dân vi bản” hay “thuận theo ý dân” sẽ là cơ sở bảo đảm vững chắc sự cầm quyền của Đảng, hướng đến “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh” như đã thấy trong “Chiếu dời đô” của cha ông khi xưa.

Các nhà lãnh đạo trong thời kỳ mới cũng không thể lãng quên những bài học lịch sử: Thời hậu Trần thất bại là do “bỏ mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Hay thời nhà Hồ với thành cao hào sâu, vũ khí hiện đại, lực lượng quốc phòng hùng hậu cả về chất lượng và số lượng, nhưng vẫn để mất nước chỉ vì “lòng dân không theo”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển và có thu nhập cao, các nhà lãnh đạo các cấp hẳn nhiên phải luôn thấm nhuần tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: “Có dân là có tất cả”; “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”; “Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết”; “Mọi việc thành công bởi chữ đồng”.

Yêu cầu mới

Để trên dưới đồng thuận, cán bộ và nhân dân cùng đồng lòng hướng đến mục tiêu quốc gia phát triển và hùng cường thì triết lý hợp tác phải là nguyên tắc nền tảng cho hoạt động lãnh đạo trong thời gian tới. Để thiết lập phong cách lãnh đạo hợp tác, nhà lãnh đạo có thể chú ý 4 yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, sự hiểu biết về bối cảnh. Thế giới đương đại tồn tại sự đa dạng về giá trị do những khác biệt về lịch sử, văn hóa, xã hội, vị trí địa lý, hay truyền thống chính trị của mỗi quốc gia. Thách thức lãnh đạo cũng ngày càng trở nên đa dạng và các nhà lãnh đạo cũng không thể áp dụng một biện pháp cố định nào để vượt qua thách thức.

Thứ hai, sự ý thức về hệ giá trị chính trị cốt lõi. Mỗi quốc gia và hệ thống chính trị đều đề cao và theo đuổi những giá trị chính trị của riêng mình. Những hệ giá trị chính trị này sẽ là cơ sở để đánh giá sự thành công lãnh đạo.

Tuy nhiên, thực tế luôn có khoảng cách giữa hệ giá trị của các hệ thống chính trị với những giá trị của các chủ thể đa dạng (người dân, doanh nghiệp, chủ thể quốc tế). Do đó, để bảo đảm thành công, các nhà lãnh đạo cần luôn ý thức về sự dung hòa các giá trị, cân bằng giữa hệ giá trị của hệ thống với những giá trị của các chủ thể khác nhau, qua đó giảm thiểu nguy cơ xung đột giá trị.

Thứ ba, nắm vững quy trình và cấu trúc quyền lực của hệ thống quản trị. Thực tế ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề vượt quá phạm vi thẩm quyền mà nhà lãnh đạo mỗi quốc gia có thể sử dụng.

Đây là một đặc điểm then chốt về bối cảnh lãnh đạo trong một thế giới ngày càng đa dạng về lợi ích và quan điểm giải quyết vấn đề lãnh đạo. Bởi vậy, để có thể thành công, mỗi nhà lãnh đạo không chỉ phải hiểu rõ về cấu trúc quyền lực của hệ thống chính trị, mà còn phải có sự hiểu biết sâu sắc về các mô hình quản trị hiện đại.

Thứ tư, năng lực và kỹ năng lãnh đạo hợp tác. Hoạt động lãnh đạo trong thế giới hiện nay không còn giới hạn trong một phạm vi lãnh thổ hay cấu trúc quyền lực cố định.

Các xu hướng vận động của thế giới đang cho thấy, dù ở cấp độ nào, nhà lãnh đạo cũng cần phải có khả năng hợp tác với các chủ thể khác nhau để cùng xây dựng các cam kết tập thể và ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Bài mới
Đọc nhiều