Tam giác Việt – Trung – Mỹ: Liệu đây có phải là mô hình mới cho tương lai toàn cầu hóa?

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc thể hiện đầy đủ và điển hình cho mối quan hệ giữa các nước lớn trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc đánh giá đúng mối quan hệ giữa hai cường quốc này với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình địa chính trị thế giới.

Dễ dàng nhận thấy, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã là tâm điểm của các mối quan hệ quốc tế, nhưng giai đoạn căng thẳng nhất chính thức được bắt đầu kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền. Thời điểm đó, nước Mỹ đã phát động chiến dịch cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1 và thực thi những chính sách cứng rắn.

Chuỗi hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump lúc đó nhằm gây sức ép, ngăn chặn Trung Quốc vươn lên trên nhiều mặt trận, đưa mối quan hệ hai nước sang giai đoạn mới, cạnh tranh và đối đầu vô cùng khốc liệt.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tin rằng sức mạnh của mình đã tăng lên mạnh mẽ, ngoại giao có thể chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “hành động nước lớn”, bắt đầu thực hiện ý đồ sửa đổi các quy tắc quốc tế và trật tự quốc tế tồn tại sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017), Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với thế giới rằng, Trung Quốc đã bước vào “thời đại mới” gần đến trung tâm của vũ đài quốc tế và tiến tới trở thành “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại” với một lực lượng quân đội hiện đại hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Tuyên bố đó như một lời thách đấu đối với địa vị lãnh đạo thế giới của siêu cường Mỹ, buộc giới chức Mỹ phải đánh giá lại về mối đe dọa toàn cầu từ Trung Quốc, dẫn tới việc đẩy cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc lên hình thái mới, đối đầu toàn diện.

Hiện nay, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc vẫn đang là trục chính chi phối bàn cờ chính trị quốc tế, cặp quan hệ này luôn vận động, biến đổi và không dễ đoán định. Nhưng một điều không thể phủ nhận là cả hai nước đều không muốn rơi vào những cuộc xung đột không cần thiết, cũng như tạo điều kiện tốt nhất có thể để hợp tác trong những vấn đề mà hai bên có lợi.

Do đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải hiểu rõ về những “lằn ranh đỏ” của mình cũng như của đối phương để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Chính khả năng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc mới là phép thử thực sự của năng lực quản trị, chia sẻ trách nhiệm, dẫn dắt và điều phối các nguồn lực trên phạm vi toàn cầu khi có khủng hoảng; đồng thời, quyết định vai trò dẫn đầu lãnh đạo thế giới trong cuộc đua.

Thực chất, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc với những đặc điểm mới được phân tích ở phần trên, đang và sẽ tiếp tục làm biến đổi các mối quan hệ quốc tế, khu vực. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu kỹ, đánh giá đúng bản chất của vấn đề, đưa ra những dự báo chính xác về xu hướng vận động cùng những tác động của nó để chủ động tìm đối sách phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích cho mình ở khu vực và thế giới, theo World Crunch.

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn kiên định giữ vững quan điểm nhất quán trong chính sách “không chọn bên”. Đó là sự lựa chọn sáng suốt, bởi Mỹ tuyên bố hoan nghênh lập trường của Việt Nam, không yêu cầu Việt Nam phải chọn bên. Phía Mỹ hiểu Việt Nam cần duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và không có ý định hay yêu cầu Việt Nam phải chọn bên, đứng về phía Mỹ, còn Trung Quốc cũng chưa bao giờ chính thức yêu cầu Việt Nam.

Rõ ràng, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tại khu vực là một thực tế. Dù có muốn hay không muốn thì cuộc cạnh tranh này vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra một cách gay gắt, toàn diện. Việt Nam dù muốn đứng ngoài cuộc cũng không thể. Chọn bên thì chắc chắn không phải là sự lựa chọn. Lựa chọn đúng đắn nhất cho Việt Nam, đó chính là lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tuy nhiên, trước tình trạng đối đầu trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc còn kéo dài trên tất cả các địa bàn và lĩnh vực quan hệ, Việt Nam vẫn cần chủ động xây dựng các phương án ứng phó lâu dài, không để rơi vào tình thế bất lợi về chiến lược hoặc buộc phải “chọn bên”. Thêm vào đó, Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược trong quan hệ với mỗi nước cho phù hợp với tình hình. Trong mỗi điều chỉnh, cần tối đa hóa lợi ích của Việt Nam, tận dụng được các cơ hội, hạn chế, hóa giải được các thách thức từ cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc.

Với vai trò là người đứng giữa, vừa để dẫn dắt, vừa để cân bằng, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực và tự tin triển khai những bước đột phá, tạo vị thế trong quan hệ song phương với Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, phát huy vai trò tại các thể chế đa phương quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên hợp quốc. Điều này giúp Việt Nam vừa tối ưu hóa vị trí chiến lược của mình, vừa củng cố vị thế vững vàng hơn, giảm thiểu các thách thức từ cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc. Vì vậy có thể khẳng định rằng, vị trí , vai trò và cách hành động của 3 quốc gia chắc chắn sẽ trở thành xu hướng, là hình mẫu lý tưởng cho nhiều quốc gia tham gia vào chiến trường địa chính trị toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Thực hiện: Lan Hoa 

Đồ họa: M.N