+
Aa
-
like
comment

Tại sao ngân hàng không bồi thường khi khách hàng mất 26,5 tỷ tại VCB và TCB?

Bích Ngân - 03/07/2024 17:16

Hôm nay ngày 3/7, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Ninh đã tuyên án phúc thẩm trong vụ kiện giữa bà Trần Thị Chúc và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đây là phiên tòa thứ hai liên tiếp mà bà Chúc không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ phía ngân hàng.

Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, bà Chúc đã nộp đơn đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử (HĐXX) quyết định tiếp tục phiên tòa vì đơn xin hoãn không kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan có thẩm quyền. Luật sư Lê Ngọc Hà, đại diện pháp lý cho bà Chúc, đã trình bày trước tòa rằng số tiền 11,9 tỷ đồng trong tài khoản của bà tại Vietcombank – Chi nhánh Kinh Bắc bị mất là do lỗi của phía ngân hàng.

Theo Luật sư Hà cho rằng nếu chuyên viên tư vấn và cán bộ nghiệp vụ của ngân hàng thực hiện đúng trách nhiệm trong quá trình tư vấn mở tài khoản và hướng dẫn sử dụng, thì bà Chúc đã không bị kẻ gian lừa đảo. Ông Hà nêu rõ rằng ngân hàng đã thiếu sót trong việc cảnh báo bà Chúc về các thủ đoạn của tội phạm.

Tuy nhiên, Vietcombank phủ nhận mọi trách nhiệm, cho rằng việc mất tiền hoàn toàn do khách hàng. Sau khi xem xét, HĐXX xác định rằng mọi điều khoản trong hợp đồng giữa bà Chúc và ngân hàng đều hợp pháp. Tòa tuyên bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Vietcombank và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Từ Sơn, đồng nghĩa Vietcombank không phải bồi thường số tiền 11,9 tỷ đồng bị mất.

Trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện thứ hai giữa bà Chúc và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) diễn ra vào ngày 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra phán quyết tương tự. Tòa bác kháng cáo của bà Chúc và chấp nhận kháng cáo của Techcombank, cùng với kháng nghị của VKSND. Theo đó, Techcombank không phải bồi thường số tiền 14,6 tỷ đồng bị mất từ tài khoản của bà Chúc.

Tòa phúc thẩm cho rằng bà Chúc đã thao tác hủy sử dụng ứng dụng Techcombank Mobile trên điện thoại iPhone và đăng ký trên thiết bị khác theo yêu cầu của những người tự xưng là công an. Điều này đã tạo điều kiện cho kẻ gian chiếm đoạt quyền đăng nhập vào các thiết bị của bà Chúc. Tòa xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bà Chúc vì đã cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ lừa đảo.

Theo luật sư Lê Ngọc Hà bày tỏ sự không đồng ý với toàn bộ bản án phúc thẩm và cho biết sẽ làm đơn kiến nghị lên Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội để xem xét lại cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.

Trong đơn tố giác của bà Chúc, bà đã nhận được cuộc gọi từ hai người tự xưng là công an, thông báo rằng bà bị cáo buộc gây tai nạn giao thông, liên quan đến mua bán ma túy và rửa tiền. Bà Chúc được yêu cầu mở tài khoản tại Techcombank và Vietcombank và chuyển vào đó tổng số tiền hơn 26,5 tỷ đồng để “chứng minh tiền trong sạch”. Bà cũng được yêu cầu mua điện thoại mới và cài phần mềm bảo mật, phần mềm này sau đó được xác định là có khả năng can thiệp và thay đổi thông tin trên điện thoại của bà.

Trước đó vào ngày 22 -23/4/2022, bà Chúc đã đến các chi nhánh của Vietcombank và Techcombank để mở tài khoản và huy động tiền từ người thân, bạn bè, khách hàng chuyển vào đó số tiền 11,9 tỷ đồng và 14,6 tỷ đồng tương ứng. Đến ngày 25/4/2022, khi bà đến ngân hàng để rút tiền, bà mới phát hiện tài khoản của mình không còn tiền. Theo sao kê từ ngân hàng, đã có người thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bà Chúc sang các tài khoản khác.

Trong phiên tòa sơ thẩm, TAND thành phố Từ Sơn xác định có lỗi hỗn hợp, một phần thuộc về Techcombank và Vietcombank do không kịp thời cảnh báo các thủ đoạn của kẻ gian, dẫn đến mất tiền của bà Chúc. Tòa đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà, buộc Techcombank bồi thường 800 triệu đồng và Vietcombank bồi thường 700 triệu đồng.

Như vậy, trong cả hai phiên tòa phúc thẩm, bà Trần Thị Chúc đều không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ phía Vietcombank và Techcombank. Điều này gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc từ phía bà Chúc và luật sư của bà, họ cho rằng ngân hàng đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ khách hàng và cập nhật các biện pháp an toàn.

Đáng chú ý, vụ việc này là một bài học để giúp ngừơi dân cẩn trọng trong các giao dịch tài chính và bảo mật thông tin cá nhân. Đồng thời, nó cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm của các ngân hàng trong việc bảo vệ khách hàng trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Hiên tại bà Chúc và luật sư đã đưa vụ việc lên các cấp cao.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều