+
Aa
-
like
comment

Tại sao Hàn Quốc muốn mua đất hiếm của Việt Nam?

Công Luân - 05/07/2023 12:30

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vô cùng tốt đẹp. Có một thành quả vô cùng quan trọng đã được ghi nhận và bàn sâu hơn, đó là biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam – Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.

Có 22 triệu tấn đất hiếm nhưng Việt Nam khai thác chưa tốt

Là nguyên liệu cốt lõi của các ngành công nghiệp tiên tiến như chất bán dẫn và pin xe điện, đất hiếm được gọi là “Gạo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Theo Nihon Keizai Shimbun, hiện nay các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng các khoáng sản chính được sử dụng để sản xuất những sản phẩm như xe điện, chất bán dẫn và điện thoại thông minh. Hàn Quốc là một bên quan trọng tham gia các lĩnh vực nói trên, nước này có Hyundai Motor và nhà sản xuất chip lớn Samsung là những công ty phụ thuộc vào nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, do thiếu khoáng sản và nguyên liệu khác cần thiết để sản xuất các sản phẩm này, Hàn Quốc phải tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài.

Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc, vào năm 2021, mức độ phụ thuộc (của Hàn Quốc) vào Trung Quốc về đất hiếm nam châm vĩnh cửu dùng trong xe điện là 86%; mức độ phụ thuộc về đất hiếm cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn là 54%. Ngoài ra, mức độ phụ thuộc Trung Quốc về lượng lithium, coban và mangan cần thiết cho vật liệu lưỡng cực của pin năng lượng mới lần lượt là 84%, 69% và 97%. Nhật báo Dong-A Ilbo cho rằng, điều này có nghĩa là hầu hết các khoáng sản cốt lõi của Hàn Quốc đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính vì thế, sự hợp tác của Hàn Quốc và Việt Nam trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như đất hiếm là để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về vật liệu cốt lõi bán dẫn.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tìm đến Việt Nam để hợp tác khai thác đất hiếm

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lên đến 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Thế nhưng việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế nhiều người cho rằng đất hiếm có ý nghĩa rất thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng thời thế giờ đã khác, với xu hướng dùng xe ô tô điện và chuyển đổi sang năng lượng xanh, điện gió, điện mặt trời trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng đất hiếm tăng vọt. Gần đây giá đất hiếm đã tăng vọt lên gần 10 lần so với trước, từ cỡ giá chỉ 14.000 USD/tấn tăng lên 110.000 USD/tấn (Neodymium oxide 66.000 USD/tấn, Oxit Dysposi 274.000 USD/tấn).

Thử làm một bài toán đơn giản sẽ thấy đất hiếm của Việt Nam có giá trị cao hơn hẳn. Nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD. Một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước.

Có thể nói Việt Nam đang dần trở thành tâm điểm cung cấp đất hiếm mới của thế giới (ngoài Hàn Quốc, còn có Canada, Australia, Nhật Bản đang hợp tác). Nhìn trên toàn thế giới thì tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ chiếm đến 90%, trữ lượng của Mỹ và các nước phương Tây chỉ có 8% thôi. Từ đó, càng khẳng định được tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều