Hệ thống tài chính xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững. Nguồn vốn này cũng có thể tạo ra đột phá cho kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nguồn lực tài chính xanh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh vẫn chưa được Việt Nam khai thác chưa hiệu quả.
Khoảng 5 năm về trước, “Tài chính xanh” có lẽ là khái niệm còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngày càng ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực đến môi trường, thì khái niệm “Tài chính xanh” mới thực sự được quan tâm đúng mức. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Nhằm thể hiện rõ quyết tâm và ý chí chính trị trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách và chiến lược về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu với tầm nhìn trung và dài hạn. Có thể kể đến như năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị COP26, Việt Nam tiếp tục đưa ra các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải vào năm 2050 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đó là phấn đấu đưa nền kinh tế về “zero” carbon vào năm 2050. Đặc biệt Chính phủ đang quyết liệt và đẩy nhanh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, chương trình này không chỉ bao gồm các giải pháp khôi phục trong ngắn hạn mà tập trung nhiều về các giải pháp dài hạn, nhằm tạo lập các động lực tăng trưởng bền vững, nhất là tăng trường xanh. Mới đây nhất, tại Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại nhấn mạnh về phát triển kinh tế xanh.
Trong một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam cũng đề ra nội dung, mục tiêu phát triển xanh khá rõ nét. Đơn cử như Việt Nam đã xây dựng Quy hoạch Điện VIII theo hướng phát triển bền vững, trong đó xác định: Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam tiếp tục đưa ra các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải vào năm 2050 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đó là phấn đấu đưa nền kinh tế về “zero” carbon vào năm 2050. Đặc biệt Chính phủ đang quyết liệt và đẩy nhanh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, chương trình này không chỉ bao gồm các giải pháp khôi phục trong ngắn hạn mà tập trung nhiều về các giải pháp dài hạn, nhằm tạo lập các động lực tăng trưởng bền vững, nhất là tăng trường xanh. Mới đây nhất, tại Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại nhấn mạnh về phát triển kinh tế xanh.
Trong một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam cũng đề ra nội dung, mục tiêu phát triển xanh khá rõ nét. Đơn cử như Việt Nam đã xây dựng Quy hoạch Điện VIII theo hướng phát triển bền vững, trong đó xác định: Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi.
Theo đánh giá của HSBC Việt Nam, tuy năm 2021 chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, thị trường này vẫn ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến các tiêu chí Môi trường – Xã hội – Quản trị và bền vững, họ sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lượng lẫn số lượng ở các quốc gia họ đang hoạt động. Trong đó, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và là nơi có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.
Theo Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, từ 2016 đến 2030, Việt Nam có thể thu hút được khoảng 753 tỷ USD đầu tư cho khí hậu, trong đó phần lớn (khoảng 571 tỷ USD) là đầu tư cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đầu tư cho năng lượng tái tạo có thể thu hút được 59 tỷ USD, trong đó hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ. Khoảng 80 tỷ USD sẽ đầu tư vào lĩnh vực công trình xanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù dư địa huy động tài chính xanh cả từ trong nước và quốc tế của Viêt Nam còn rất nhiều, nhưng nguồn lực tài chính xanh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh vẫn chưa được Việt Nam khai thác hiệu quả.
Theo chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 10 năm trước – tức giai đoạn 2011-2020 – đã đề ra giải pháp phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn phát triển các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện trái phiếu xanh vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, mức độ quan tâm đến vẫn chưa cao. Tính đến nay mới có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, huy động được hơn 280 triệu USD. Ngoài ra tín dụng vào các dự án, lĩnh vực đánh giá về tác động môi trường tại Việt Nam có phạm vi rộng hơn, nhưng hiện nay tổng dư nợ này mới có khoảng 1,3 triệu tỷ, tương đương 13% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Một nghịch lý đáng quan tâm nữa là trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận tài chính xanh thì nhiều dự án quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh lại chưa được triển khai hiệu quả. Đơn cử, năm 2018, Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB) có dự án về phát triển đô thị xanh loại II thích ứng biến đổi khí hậu, được triển khai tại 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 223 triệu USD. Thế nhưng hơn 3 năm qua vẫn chưa được phê duyệt để triển khai ở địa phương vì vướng mắc cả ở phía nhà tài trợ, cả phía Việt Nam. Do đó, huy động và sử dụng tốt nguồn hỗ trợ tài chính xanh từ các đối tác phát triển quốc tế của Việt Nam là điều cần được chú trọng trong thời gian tới.
Từ những phân tích trên có thể thấy: Mặc dù Việt Nam có chiến lược tăng trưởng xanh, tín dụng xanh kể từ năm 2011, nhưng vẫn chưa phát triển nhanh như mong muốn. Nguyên nhân là do vẫn thiếu cơ chế chính sách nhất quán và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, khung pháp lý về tài chính xanh vẫn chưa đồng bộ nên các ngân hàng gặp nhiều rào cản trong việc tài trợ các dự án xanh. Chưa kể, thị trường tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, nhiều ngân hàng chưa có kinh nghiệm trong việc thẩm định, phê duyệt dự án cho vay liên quan đến lĩnh vực này nên ít mặn mà đẩy mạnh cho vay trong thời gian qua.
Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tiếp cận nguồn tài chính xanh từ các chương trình hỗ trợ quốc tế. Điều quan trọng là có cơ chế để dự án xanh trong nước tiếp cận tốt, giải ngân nhanh và triển khai có hiệu quả. Để làm được điều đó thì:
– Về phía cơ quan quản lý: Hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh, đưa ra các tiêu chuẩn tài chính xanh, cung cấp danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để các tổ chức áp dụng. Hoàn thiện hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh. Tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành liên quan trong việc huy động nguồn lực cho tài chính xanh như ngân sách nhà nước, các nguồn vốn ưu đãi quốc tế… Tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Nghiên cứu thành lập các quỹ liên quan đến tăng trưởng xanh và sử dụng nguồn vốn của quỹ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cung cấp tài chính xanh. Xem xét đưa ra các chính sách, cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cung cấp tài chính xanh. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận tài chính xanh như hỗ trợ về lãi suất, thuế, phí, đất đai, kỹ thuật, thị trường… Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp.
– Về phía Ngân hàng thương mại: Cần đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng và phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Các tổ chức tín dụng, trung gian tài chính phi ngân hàng cần có các định hướng mang tính chiến lược về tăng trưởng xanh, các quy định về tài chính xanh cần được thực thi một cách nghiêm túc. Các tổ chức tín dụng nên quan tâm hơn đến xây dựng chiến lược quản trị rủi ro về môi trường cũng như các rủi ro về nguồn lực thiên nhiên khác (như đất đai, nguồn nước…) trong quá trình hoạt động kinh doanh.
– Về phía nhà đầu tư, doanh nghiệp: Đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, hướng tới công bố các báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thay đổi chiến lược trong công bố báo cáo trách nhiệm xã hội. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường, ý thức được vị trí, tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.
– Về phía nhưng người dân: Cần có các hành động để nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường, về việc làm xanh và phát triển kỹ năng xanh. Người tiêu dùng xanh có vai trò quan trọng trong kích thích nền kinh tế xanh. Nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩn xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam.
Thực hiện: Diệu Hương
Đồ họa: M.N