Suy thoái toàn cầu đã tới, Việt Nam có ngoại lệ?
Cú trượt dài xuống đáy lợi nhuận của ngành thép cùng với việc các công ty xuất khẩu sa thải công nhân, nhiều tín hiệu gần đây đang cho thấy tác động của vòng xoáy suy thoái toàn cầu đã lan tới Việt Nam.
Vừa qua, một công ty trong lĩnh vực ngành sản xuất giày da xuất khẩu có nhà máy tại TP.HCM đã có quyết định bất ngờ khi cho thôi việc tới gần 1.200 nhân công. Theo thông báo của Công ty này, thì do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, nên công ty không nhận được đơn hàng sản xuất. Doanh thu sụt giảm khiến công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và phải chấm dứt hợp đồng với người lao động. Sau thông báo trên, nhiều công nhân luống tuổi đã không kìm được nước mắt do bất ngờ bị cho thôi việc sau nhiều năm gắn bó. Đây là một trong nhiều thực tế đang diễn ra không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, trong đó làn sóng sa thải nhân viên cũng đã lan dần tới các công ty công nghệ cao ở Thung lũng Sillicon Hoa Kỳ.
Đi cùng với làn sóng cắt giảm nhân sự nêu trên thì nhu cầu về kim loại công nghiệp cũng đang lao dốc nghiêm trọng. Ngành thép Việt Nam đã vừa trải qua một quý kinh doanh tiêu cực. Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy sản lượng bán hàng sụt giảm gần 10% trong quý III. Ngành xây dựng là một trong những ngành đầu tiên bị rơi vào suy thoái khi nền kinh tế đi xuống, và cũng sẽ ngành khôi phục đầu tiên khi tình hình trở nên tốt hơn. Do đó, lợi nhuận ngành thép lao dốc là một tín hiệu cho thấy một cơn bão suy thoái đang đến gần. Cùng với thép, giá các kim loại công nghiệp khác như đồng và thiếc cũng lao đốc liên tục kể từ đầu năm đến nay.
Khác với những do dự hồi đầu năm, suy thoái giờ đây đã là việc gần như chắc chắn, và một số Ngân hàng Trung ương thế giới cũng tự đưa ra dự báo cho chính mình. Gần đây nhất là Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), trong một cuộc họp báo về chính sách tiền tệ, các quan chức BOE đã thừa nhận rằng Vương quốc Anh hiện đang trong cuộc suy thoái và dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023, lâu hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo nền kinh tế Anh sẽ giảm 1,5% vào năm 2023, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 8.
Việt Nam hiện là nước hiếm hoi có cơ hội phá vỡ sợ dây xiềng xích này. Trong cuộc hội đàm ngày 31/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường 1,5 tỷ dân và mong muốn tăng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế. Ông cũng đề nghị Trung Quốc duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hoá, tăng cường hợp tác vận tải bằng hàng không, đường bộ, đường sắt… Đáp lại, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sang thị trường tỷ dân.
Theo dự báo của các chuyên gia, thương mại, trong đó có lưu thông hàng hóa giữa hai nước, có thể phát triển tích cực sau chuyến thăm này của Tổng bí thư. Trong đó điểm quan trọng là Trung Quốc và Việt Nam sẽ hướng tới cân bằng trong cán cân thương mại hai nước.
Trung Quốc hiện đang có thặng dư thương mại lớn nhất với Việt Nam, khoảng 45,5 tỷ USD. Tức việc nhập khẩu từ Trung Quốc đang lớn hơn xuất khẩu vào thị trường này. Nhằm giảm bớt việc mất cân bằng thương mại, theo tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc, hai nước sẽ xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của nhau. Trong đó, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại hoa quả có múi, tổ yến… Phía Việt Nam sẽ thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc.
Chính sự gia tăng nhanh chóng các đơn hàng từ đối tác Trung Quốc, nhằm bù đắp việc mất cân bằng thương mại Việt – Trung vào lúc này sẽ vực dậy được các đơn hàng cũng như lượng việc làm đang mất đi vì tác động suy thoái ở các nước Âu Châu.
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ việc suy giảm các đơn hàng ở Châu Âu và Mỹ do đó sắp tới cần tiếp cận gần hơn đến thị trường tỷ dân. Chuyến thăm của Tổng Bí Thư đã mở ra một cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Sức mua của người dân Trung Quốc không chỉ cao mà còn ít bị ảnh hưởng bởi việc lãi suất toàn cầu, do nước này cũng có thói quen chi tiêu tiết kiệm thay vì dựa vào tín dụng như thị trường phương tây. Áp lực trả nợ ít hơn do đó sức mua cũng ổn định hơn khi mặt bằng lãi suất tăng và đồng Nhân dân tệ trượt giá so với đồng USD Mỹ.
Quan hệ Việt Trung nồng ấm đã mở rộng cửa để Việt Nam chuyển hướng được các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân của Trung Quốc, từ đó trở thành nước hiếm hoi có khả năng vượt bão suy thoái và ổn định đời sống cho người dân.
Huy Hoàng