+
Aa
-
like
comment

Kinh tế Việt Nam ổn định qua chỉ số GDP 3.2%

Huy Hoàng - 01/06/2023 10:14

Mức tăng trưởng GDP 3.2% trong những tháng đầu năm 2023 nói lên điều gì về “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

Khác với khí thế tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2022, trong nửa đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam đang phải rơi vào tình trạng đầy khó khăn và thách thức. Với số lượng doanh nghiệp giải thể bình quân mỗi tháng đã lên đến hàng chục ngàn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó, mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động giảm, mất việc, thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh. Và như một hệ quả tất yếu là GDP Quý I chỉ tăng trưởng 3,32%.

Và những khó khăn thách thức trong quý I cho tới quý II hiện nay vẫn chưa được giải tỏa. Khi tăng trưởng kinh tế và quy mô thương mại toàn cầu vẫn đang chậm lại, thu hẹp thị phần xuất khẩu và làm giảm sút đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó các nước còn gia tăng các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào thì không ổn định, thị trường năng lượng và nhiều xung đột địa chính trị khu vực diễn biến bất thường. Còn về tiêu dùng trong nước, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam không cao nên khi suy thoái ập đến cũng là lúc người dân cắt giảm chi tiêu trên diện rộng khiến khó khăn chồng thêm khó.

Tất cả những đều trên là minh chứng cho thấy kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài như thế nào. Guồng quay kinh tế đã chậm lại đáng kể khi tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Và theo lẽ thường, khi động lực bên ngoài mất đi, bên trong không đủ để trụ đỡ thì nền kinh tế quốc gia ấy sẽ rất nhanh rơi vào suy thoái. Điển hình như hiện nay đó là Đức, dữ liệu chính thức cho thấy Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã rơi vào suy thoái khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn do giá cả tăng mạnh.

Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê liên bang Đức, kinh tế nước này tiếp tục giảm 0,3% trong quý đầu năm 2023 sau khi đã giảm 0,5% trong quý cuối năm ngoái. Thu nhập người dân Đức không hề thấp tuy nhiên việc giá cả tăng quá nhanh đã khiến lợi thế này trở nên vô nghĩa.

Kinh tế thế giới trước tác động của xung đột quân sự

Nếu Đức chịu tác động từ bên ngoài bởi cuộc xung đột châu Âu, thì nhìn lại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu. Nhưng trong bối cảnh đó Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, cho thấy nền kinh tế vẫn có nội tại mạnh, các tác động bên ngoài tiêu cực nhưng không đến mức cực đoan, và có thể sớm giải tỏa được khi các nền kinh tế tìm được điểm phục hồi.

Giống với giai đoạn 2020-2022, kinh tế Việt Nam cũng đã từng lao dốc và rồi phục hồi rất mạnh sau đó do kinh tế toàn cầu khởi sắc. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, chịu ảnh hưởng tạm thời bởi tình hình bên ngoài và vẫn còn nhiều cơ hội để tăng trưởng.

Trong đó gần nhất có thị trường Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc vừa qua đã cam kết mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước và phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng và vai trò chủ chốt của đầu tư vào năm 2023. Thị trường tỷ dân đang phục hồi, cơ hội không hề mất đi đối với Việt Nam, nhưng quan trọng là chúng ta đã tận dụng được hay chưa, và tận dụng được hiệu quả nhất hay chưa.

Hay nói về trong nước, không chỉ có tiêu dùng, mà Việt Nam còn có đầu tư công là một động lực lớn để lấp đầy khoảng trống tăng trưởng trong giai đoạn này. Nhưng với tình trạng chậm giải ngân không khác gì Việt Nam đang lấy đá đè chân mình.

Tình hình ở châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn còn rất triển vọng và ổn định về dài hạn, bằng chứng là Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong quý I/2023 trong khi một số nước khu vực châu Âu tăng trưởng âm. Điều này cho thấy mức tăng trưởng 2023 của Việt Nam tuy có thấp so với 2022 và các năm trước đại dịch nhưng đó là mức tăng trưởng ổn định chứ không phải là báo hiệu cho cuộc suy thoái kéo dài.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều