+
Aa
-
like
comment

Sự trỗi dậy của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu

Bảo Trâm - 06/05/2024 13:48

Mới đây, KCS Group Europe vừa có bài viết với tiêu đề “Awakening the Tiger: Vietnam’s surge in the global economy” (Sự trỗi dậy của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu), trong đó đặc biệt nhận định Việt Nam đã và đang khiến thế giới nể phục bởi sự phục hồi và phát triển kinh tế thần tốc bất chấp khủng hoảng.

Kinh tế Việt Nam đang có cơ hội bùng nổ

Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 4.2024, có 517 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài về kinh tế Việt Nam.

Trong tháng 4.2024, dư luận báo chí nước ngoài phân tích một số khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam như: Nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm; Cảnh báo về việc tình trạng buôn lậu vàng hiện nay…

Tuy nhiên, nhìn chung, báo chí nước ngoài nhận định tích cực về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam vững vàng, đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025; Việt Nam là “con rồng trỗi dậy”, có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư; vị thế của Việt Nam trên thị trường bán dẫn toàn cầu gia tăng, nổi lên như một “thánh địa”, “ngôi sao đang lên”…

Theo Wealth Briefing Asia, Việt Nam là “con rồng trỗi dậy”, trở thành một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất khu vực Đông Á, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư rất rõ ràng nhờ các yếu tố: Sở hữu vị trí chiến lược, Việt Nam có khả năng tiếp cận trực tiếp tới các quốc gia lân cận, khiến Việt Nam trở thành trung tâm quan trọng cho các hoạt động trong khu vực; dân số trẻ, có trình độ học vấn.

Ngoài ra, Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp; tích cực tham gia vào các thỏa thuận thương mại quan trọng; Việt Nam chứng kiến ​​dòng vốn FDI đáng kể; tầng lớp trung lưu gia tăng không chỉ thể hiện sự gia tăng trong thu nhập khả dụng, mà còn nhu cầu ngày càng cao về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, mang đến cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp cơ hội sinh lợi để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Bài viết đăng tải trên KCS Group

CNBC đánh giá Việt Nam có lợi thế hơn Ấn Độ trong việc thu hút các nhà đầu tư và các hãng nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo nhờ khả năng sản xuất thiết bị điện tử.

Ngoài ra, chính sách, thủ tục của Việt Nam đơn giản hơn Ấn Độ. Việt Nam có thuế nhập khẩu thấp hơn đối với công nghệ thông tin, truyền thông. Và Việt Nam lợi thế về vấn đề kinh doanh, làm ăn dễ dàng, đặc biệt là tính linh hoạt trong tuyển dụng và sa thải nhân viên.

Tờ Meil Kyungjae (Hàn Quốc) đánh giá Việt Nam nổi lên như một “thánh địa” của quy trình sản xuất hậu kỳ chất bán dẫn toàn cầu. Việt Nam được chọn làm căn cứ tiền phương cho các công ty bán dẫn toàn cầu như NVIDIA, Intel nhờ chính sách “ngoại giao cây tre” mang tính trung lập, ưu tiên lợi ích quốc gia; lợi thế chi phí lao động thấp và cơ sở hạ tầng mở rộng.

Tờ Meil Kyungjae còn nhận định lợi nhuận của các quỹ đại chúng và quỹ giao dịch chứng chỉ quỹ (ETF) đầu tư vào Việt Nam vượt xa các quỹ đầu tư của Mỹ và Ấn Độ. Dòng tiền đầu tư vào quy trình hậu xử lý chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 20% từ khoảng 10 tỉ USD năm 2023 lên 12 tỉ USD trong năm nay.

Đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tractus Asia nhận định Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên trên thị trường bán dẫn toàn cầu và chứng tỏ vị thế lớn và ngày càng tăng trong chuỗi giá trị bán dẫn ở ASEAN. Điều này có được nhờ các yếu tố: Việt Nam nằm trên các tuyến đường hậu cần quốc tế quan trọng; là nước hội nhập toàn cầu và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước dẫn đầu về sản xuất chip; có lợi thế về chi phí lao động, lực lượng lao động đông đảo và chi phí sinh hoạt tương đối thấp; ngành công nghiệp điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam…

Vốn FDI thực hiện 4 tháng tiếp tục tăng cao

Trong đó, 3 yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư nước ngoài bao gồm: Thứ nhất , yếu tố khách quan bao gồm các yếu tố như tình hình địa chính trị – kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam, xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các vấn đề về an ninh.

Thứ hai , yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư: Phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ phù hợp của từng địa bàn, từng khu vực, các nguồn lực triển khai…

Thứ ba , yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho các nhà đầu nước ngoài, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chíp. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đầu tư kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Trong ngành bán dẫn, ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư, hợp tác cụ thể tại Việt Nam, tiêu biểu như: Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip…

Gần đây, lãnh đạo tập đoàn NVIDIA đã liên tục thăm Việt Nam và cam kết hợp tác về trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. Theo đó, nâng cao khả năng hợp tác bao gồm xây dựng các trung tâm siêu tính toán tại Việt Nam, đào tạo nhân lực AI và công nghiệp bán dẫn, phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều