Sự thật về “tự do ngôn luận” ở các nước tư bản
Bàn về dân chủ, một số người cho rằng, ở các nước tư bản, “tự do ngôn luận” luôn được bảo đảm tuyệt đối. Điều này có thật sự tồn tại? Chúng ta cùng xem xét ở một số quốc gia tiêu biểu.
Trước hết, ta thấy, ở các nước tư bản, mặc dù trong hiến pháp của họ đều ghi công dân có quyền ngôn luận, hội họp, xuất bản, tự do lập hội, nhưng không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”. Ở Pháp, Ðạo luật 1881 nêu rõ các giới hạn trong tự do báo chí khi đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí. Ở Italia, nhiều nhà báo bị đe dọa đến tính mạng khi họ viết về tội phạm và hoạt động của mafia… Bên cạnh đó, trong hiến pháp của các nước tư bản còn giữ lại rất nhiều điều kiện bảo lưu, giúp cho giai cấp tư sản khi cảm thấy sự thống trị của mình bị đe dọa, thì sẽ “có khả năng điều động quân đội đến đàn áp, hoặc thực hiện giới nghiêm…”. Ở Anh, mọi người có thể công khai diễn thuyết trong trường hợp nhất định, tuyên truyền cho chủ trương của mình, thậm chí có thể thóa mạ cả thủ tướng, nhưng nếu có người hô “đả đảo Chính phủ Anh”, “đả đảo Nữ hoàng” hoặc tuyên truyền bạo lực cách mạng, thì sẽ bị bắt.
Theo 10 Ðiều bổ sung đầu tiên của Hiến pháp Mỹ, có hiệu lực từ năm 1791, thì Quốc hội Mỹ không được phép ban hành bất cứ văn bản nào hạn chế tự do ngôn luận và báo chí. Nhưng theo một Ðạo luật của năm 1798 thì sẽ là tội phạm nếu viết, in, phát biểu và phổ biến những văn bản sai sự thật, cố ý xúc phạm hay chống lại chính quyền. Ðể truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm lĩnh vực này, Ðiều 2385 Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ ghi rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực. Như vậy, có thể thấy nước Mỹ được một số người coi là “hình mẫu của tự do” nhưng ngôn luận không hề có “tự do tuyệt đối”. Nghị viện Mỹ đưa ra “Luật Trấn áp bạo động phản loạn”, trong đó quy định rõ: “Những ngôn luận, sách báo lăng mạ, hoặc kích động nhân dân, khinh thường chính thể Mỹ, tình hình nước Mỹ, Hải, Lục, Không quân Mỹ, đều bị nghiêm trị”. Những người cho rằng ở nước Mỹ có “tự do báo chí tuyệt đối” nếu thấy được pháp lệnh này chắc sẽ có nhận thức mới về “tự do ngôn luận” ở Mỹ.
Như vậy, có thể thấy rõ, trong xã hội tư bản, hoạt động báo chí luôn nằm trong khuôn khổ của pháp luật tư sản. Pháp luật ấy thể hiện ý chí thống trị của giai cấp tư sản nên không thể có tự do báo chí thuần túy nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước tư sản. Việc thực hiện “tự do ngôn luận” ở các nước tư bản hiện nay chỉ mang tính hình thức, nó không thể làm tổn hại đến quyền lợi của giai cấp thống trị và nếu có làm tổn hại, lẽ dĩ nhiên sẽ bị cấm. Ở các nước tư bản, không phải như một số người nghĩ là muốn nói gì thì nói, muốn nói như thế nào cũng được, mà bị hạn chế bởi những điều kiện nhất định. Không một nhà nước nào cho phép công dân chê bai, nhục mạ, chống lại chính quyền, cũng không cho phép tuyên truyền, ca ngợi cho chính thể đối lập.
Tự do ngôn luận thật sự ở các nước tư bản không thuộc về đại đa số quần chúng nhân dân mà chỉ dành cho một số người nhất định. Nhà báo danh tiếng, đồng thời là nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học xã hội – Paul Sethe – công dân Cộng hòa Liên bang Ðức khi đánh giá về tự do báo chí ở phương Tây đã khẳng định: “Tự do báo chí là tự do phổ biến những ý kiến riêng của 200 người giàu có”, ông là một trong năm người sáng lập tờ báo danh tiếng Frankfurter Allgemeine Zeitung – hiện là một trong những nhật báo lớn nhất ở CHLB Ðức.
Như vậy, sự hiểu biết về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở phương Tây sẽ giúp chúng ta nhìn nhận và đánh giá khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam. Một sự thật không thể phủ nhận là tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam đã liên tục được cải thiện, phát triển trong các thập niên vừa qua. Trên cơ sở đó, không thể chấp nhận hiện tượng một số cá nhân tự cho mình là “nhà báo độc lập”, rồi đưa ra ý kiến thiếu xây dựng, đưa ra các tin tức và bình luận sai sự thật theo kiểu “bới bèo ra bọ” để nói xấu chính quyền, phủ nhận những thành tựu mà chính họ đang được thụ hưởng.
Diệp Vấn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả