+
Aa
-
like
comment

Sự thật cái gọi là “Đoạt mạng trước thềm Đại hội 13”

Văn Dân - 14/07/2020 17:00

Vị cựu bộ trưởng mang một cái tên có nghĩa chói lọi, rực rỡ – ông Vũ Huy Hoàng cuối cùng đã phải nhận cái kết đắng, nghỉ hưu trong cảnh “đông tàn”. Vẫn còn đó bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Trần Vĩnh Tuyến… đã chính thức trở thành “củi” mấp mé trước miệng “lò”. 

Việc bổ sung những nội dung mới trong Quy định 214 nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp để chuẩn bị cho công tác nhân sự của Đại hội XIII sắp tới được chặt chẽ, khoa học hơn

Lật giở lại lý lịch của Ông Vũ Huy Hoàng, Trần Vĩnh Tuyến, bà Kim Thoa có thể nói đều thuộc diện “vở sạch chữ đẹp” từ những năm tháng thanh xuân, rồi kinh qua nhiều chức vụ quan trọng từ địa phương đến Trung ương. Nhưng rồi họ đã tự tay làm vấy bẩn lý lịch của chính mình bằng những sai phạm nghiêm trọng. Đúng là “muôn sự tại nhân”! Mới hay vì sao dân mong cầu hơn tất thẩy phải làm sao xây dựng tuyển chọn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho xứng tầm. Bởi đội ngũ cấp chiến lược của đất nước chính là những chiếc cột chiếc xà, là nền móng cho ngôi nhà của một quốc gia. Nhà xây vững chãi hay không chính từ những người được trao vị trí trụ cột ở từng bộ ngành, ở người đứng đầu 63 tỉnh thành chọn lựa có đúng người không? Tiêu chí đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược vì thế càng là vấn đề cấp thiết.

Hơn 90 triệu dân Việt Nam, trong số hàng triệu đảng viên, liệu có thiếu người tài để quy hoạch trao trọng trách ở những vị trí chiến lược không? Phải nói ngay là đất nước không thiếu người xứng đáng. Nhưng cách nhìn ra sao, cách chọn lựa thế nào để chọn ra đúng “vàng mười” thứ thiệt mới đáng bàn. Việc quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ của Đảng khóa XIII được thông qua, hay Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cũng chính là hướng đến mục tiêu tối thượng ấy. Chỉ riêng việc đặt ra tiêu chuẩn với chức danh Tổng Bí thư trong Quy định 214 không chỉ là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng mà quan trọng còn phải giành được uy tín trong lòng nhân dân, đã cho phần nào sự đổi mới trong cách đánh giá so với Quy định 90 cũ. Chính việc công khai cụ thể các tiêu chí chức danh càng giúp cho việc giám sát của nhân dân, các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị, xã hội thêm thuận lợi hơn. Bởi khi đã có các tiêu chí rõ ràng thì việc “chiếu” theo quy định để giám sát sẽ góp phần tăng thêm sự chặt chẽ trong công tác cán bộ hiện nay.

Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được ban hành ngày 02/01/2020. Quy định này thay thế Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017.

So với Quy định 90, Quy định 214 có bổ sung thêm mấy chục chức danh mới. Việc bổ sung những nội dung mới nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình công tác cán bộ cũng như đội ngũ cán bộ hiện nay để chuẩn bị cho công tác nhân sự của Đại hội XIII sắp tới được chặt chẽ, khoa học hơn.

Vậy nhưng, dưới lăng kính của các “nhà dân chửi” thì Quy định 214 lại được tráo đổi thành ‘công cụ đoạt mạng trước thềm đại hội 13’. Bằng cách này chúng xây dựng kịch bản về cái gọi là “Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính hô biến lợi ích nhóm vào Nghị Quyết 214”. Thậm chí, chúng còn tái dựng món nghề cũ – “xếp ghế nhân sự” và rằng, đại hội tới đây ông Nguyễn Văn Bình, Phạm Bình Minh, Trần Quốc Vượng sẽ lên, còn ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Hòa Bình, Tô Lâm… sẽ rớt; cánh này đang “tiêu diệt”, “hạ bệ” cánh kia…

Thủ đoạn nhiều, chiêu thức cũng không ít song dù thể hiện dưới hình thức nào thì cũng không che giấu nổi mưu đồ đen tối của chúng là nhằm phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội, phá hoại công tác nhân sự; phá hoại các dự thảo văn kiện; gây mâu thuẫn, chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ; kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Từ “kết quả kiểm phiếu 35 người vào quy hoạch Bộ Chính trị khóa tới” cho đến cái gọi là “đoạt mạng trước thềm đại hội 13′, thực chất là chiêu trò xuyên tạc.

Chuyện những người nắm chức quyền không giữ được mình trước những cám dỗ đời thường để rồi phải lãnh nhận cái kết đáng xấu hổ không khiến nhiều người bất ngờ, bởi đó là cái kết đã được dự báo trước, chứ cần gì đâu phải đợi đến kỳ đại hội mới diễn ra như những lời thêu dệt đơm đặt. Những kịch bản “thâm cung nội chiến” hết lần này đến lần khác bị bóc trần như vụ Bùi Thanh Hiếu lấy hình ảnh trong phim hàn quốc để dựng chuyện “chính khách có tư tình riêng” vẫn còn đấy nỗi ê chề cho đám “dân chủ cuội” nhìn vào để rũa lại tâm tính.

Văn Dân 

Bài mới
Đọc nhiều