Trước những tác động to lớn của biến đổi khí hậu, khiến các quốc gia có biển tìm đến “kinh tế biển xanh” như là một sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững. Với Việt Nam, đây là hướng đi quan trọng giúp kinh tế Việt Nam đáp ứng các yêu cầu để phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng đang rộng mở từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Theo “Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu năm 2012” của Tổ chức DARA International, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang, các Chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới.
Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi hệ sinh thái là ưu tiên hàng đầu của mọi chính sách phát triển tại Việt Nam. Đồng thời, đó phải là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của không chỉ với chính quyền các cấp, mà còn của mỗi người dân.
“Kinh tế xanh” được định nghĩa là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Đồng thời, nó là chiến lược kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, kinh tế xanh không còn là một xu hướng mà trở thành lựa chọn sống còn không chỉ riêng từng quốc gia mà còn của cả thế giới. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn mô hình kinh tế xanh cũng đang là một tất yếu. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.
Nhằm thực hiện chủ trương về phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó nêu rõ: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững”.
Đây là bản chiến lược đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Trong bối cảnh mới với những yêu cầu mới, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, đề ra các mục tiêu như đến năm 2050, lượng khí thải nhà kính giảm ít nhất là 30%.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam tiếp tục đưa ra các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải vào năm 2050 trong, phấn đấu đưa nền kinh tế về “zero” carbon vào năm 2050. Đặc biệt, mới đây nhất, trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh về phát triển kinh tế xanh.
Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã thấy rõ vai trò của phát triển bền vững, phát triển xanh và đã nỗ lực đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Với Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước.
Đối với một bộ phận người dân có mức sống thấp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Do đó, một nền kinh tế xanh tận dụng được nhân tố môi trường sẽ giúp giảm thiệu sự phụ thuộc trên, nâng cao phúc lợi và công bằng xã hội. Nói cách khác, nó sẽ góp phần thúc đây quá trình phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, một loạt các lĩnh vực mới nổi và nhiều tiềm năng trong kinh tế xanh như nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, cải tạo các khu công nghiệp, tái chế… sẽ tạo ra một số lượng lớn công ăn việc làm. Từ đó, nạn thất nghiệp sẽ được giải quyết cùng lúc với việc cải thiện môi trường sinh thái. Đã có rất nhiều những việc làm xanh như vậy được tạo ra, đặc biệt là trong ngành năng lượng tái tạo.
Thứ ba, nông nghiệp xanh sẽ thúc đẩy việc tiếp cận và khai thác các công nghệ sạch hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm lượng chất thải so với công nghệ cũ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Qua đó, nó cũng giúp đảm bảo các loại hình an ninh khác như an ninh vốn, năng lượng, tài nguyên, giảm các chi phí đầu tư và chi tiêu cho lĩnh vực giáo dục, y tế cộng đồng, phúc lợi xã hội.
Cuối cùng, kinh tế xanh sẽ ra một những thị trường mới, đầy tiềm năng bằng cách kích cầu hàng hóa và dịch vụ là sản phẩm của công nghệ xanh. Phát triển kinh tế xanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động “mua sắm xanh”.
Tại Việt Nam, kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R: Giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế (Reduce – Reuse – Recycle). Quá trình và kết quả nghiên cứu được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học… Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.
Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo, như: các dự án sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện ở các tỉnh Nam Trung Bộ; các dự án năng lượng gió với nhiều nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Ninh Thuận; các dự án năng lượng sinh khối, như: nhà máy điện sinh học tại Phú Thọ, nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại Bình Phước, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại Cần Thơ. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đáng kể trong thời gian qua đã giúp hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng được cải thiện, góp phần tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển xã hội ít các bon.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng cũng có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh. Nhiều chương trình đã được ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, như: quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các loại nông sản chủ lực (như: rau quả, chè, lúa, cà phê), các quy trình tưới tiết kiệm nước cho lúa, cho các loại cây trồng cạn; chương trình khí sinh học trong ngành chăn nuôi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả năng lượng trong đánh bắt thủy sản; kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng; triển khai quản lý tổng hợp chất thải rắn; phát triển đô thị xanh hay kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng.
Ngoài ra, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được thể hiện ở việc thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng, thải bỏ sản phẩm cũng đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam.
Thực hiện: Diệu Hương
Đồ họa: M.N