+
Aa
-
like
comment

Sự liêm chính của đất nước không phải là điều các “mõ làng dân chủ” có quyền đánh giá

Bảo An - 12/08/2021 19:31

Tại phiên đầu tiên của Chính phủ khóa XV diễn ra ngày 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Ngay sau đó, nhóm “mõ làng dân chủ” đã ráo riết tiến hành các hoạt động xuyên tạc, công kích nhằm bôi lem, vấy bẩn, hạ bệ chính quyền, tấn công chế độ.

Luận điệu xuyên tạc của Đỗ Ngà về sự liêm chính của chế độ

 

Xây dựng chính quyền liêm chính là một trong những trọng tâm đang được Chính phủ tiến hành. Tuy nhiên, những kẻ chống phá như Đỗ Ngà lại đang cố tình lợi dụng một số hiện tượng đơn lẻ để quy chụp thành bản chất của chế độ nhằm gây hoang mang dư luận, tạo ra cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan về tình hình đất nước. Trong một bài viết mới được đưa ra, đối tượng Đỗ Ngà tiếp tục rêu rao những luận điệu sai trái, chủ quan, phiến diện để xuyên tạc về tính liêm chính của chế độ như: “Để trở thành một con người liêm chính thì trước hết anh phải là con người có liêm sỉ… Vô sỉ nó thuộc về bản chất của chế độ”, “Điều cơ bản nhất là chữ “liêm sỉ” mà ĐCS không xây dựng được thì làm gì có chữ “liêm chính” chứ?”, “tìm cái liêm sỉ trong con người CS nó còn khó hơn mò kim đáy bể”, “Bản chất chế độ là bất lương thì mãi mãi nó không xây được chữ “liêm chính”, không bao giờ”… Và để biện minh cho những lập luận của mình, Đỗ Ngà đã dẫn chứng một số trường hợp quan chức cấp cao thoái hoá, biến chất bị xử lý do có tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Việc lấy hiện tượng đơn lẻ để quy chụp bản chất mà Đỗ Ngà đang thực hiện là một cách thức lập luận phi logic, phi khoa học.

Những luận điệu được Đỗ Ngà và các đối tượng trong nhóm “mõ làng dân chủ” đưa ra là hoàn toàn vô căn cứ, phi lý, mang tính chất xuyên tạc. Mục đích của những “con rối dân chủ” này là tạo ra sự lầm tưởng trong cộng đồng, tiến hành “chiến tranh tâm lý” nhằm hiện thực hoá chiến lược “diễn biến hoà bình”, tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong lòng xã hội, gieo rắc các “mầm mống bất mãn” trong xã hội, hình thành lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước để tạo nền tảng tiến hành bạo loạn lật đổ, chống phá chế độ.

Từ khi được thành lập đến nay, việc xây dựng một chính quyền liêm chính, của dân, do dân và vì dân luôn được chú trọng. Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh về việc xây dựng tính liêm chính trong xã hội. Liêm được Bác giải thích là “trong sạch, không tham lam”. Chính được Bác giải thích là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”.

Trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng được một chính quyền liêm chính. Đây là điều không thể phủ nhận.

Tính liêm chính trước hết biểu hiện ở việc chúng ta kiêm quyết đấu tranh với các biểu hiện không liêm, không chính trong hệ thống chính quyền. Công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng mà chúng ta đang thực hiện là minh chứng sinh động nhất cho thấy điều này. Thời gian vừa qua, nhiều quan chức cấp cao khi bị phát hiện sai phạm đã được đưa ra xử lý. Tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà việc xử lý trách nhiệm theo từng mức độ khác nhau, từ xử lý kỷ luật cho đến việc xử lý hình sự. Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, đã có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, 18 người đã bị xử lý hình sự (một Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…). Thiết nghĩ, nếu bản chất chế độ không liêm chính như những gì Đỗ Ngà đang rêu rao thì liệu các sai phạm của cán bộ trong hệ thống chính quyền có bị nêu ra hay không? Nếu bản chất của chế độ là tiêu cực thì liệu chúng ta có thể xử lý nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý như trên hay không? Rõ ràng là không.

Biểu hiện tiếp theo của chính quyền liêm chính là việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, công khai, minh bạch. Thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy được những nỗ lực, cố gắng lớn của hệ thống chính quyền trong việc hệ thống cơ quan công quyền phục vụ nhân dân. Chúng ta đã có những thay đổi toàn diện, đồng bộ, về mọi mặt để phục vụ người dân được tốt hơn. Đặc biệt, vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân vơi hoạt động của các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh. Cùng với đó, hệ thống thông tin truyền thông được chú trọng, bảo đảm người dân có quyền tham gia góp ý, đánh giá đối với các chủ trương, chính sách của nhà nước, bảo đảm tính dân chủ trong xã hội. Song song với đó, công tác cán bộ cũng được quan tâm, bảo đảm mỗi cán bộ thực sự là công bộc của Nhân dân. Chúng ta kiên quyết nói không với tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Chúng ta không phủ nhận trong bộ máy các cơ quan công quyền vẫn tồn tại một số cán bộ thoái hoá, biến chất, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp đơn lẻ, không thể đánh đồng thành bản chất của chế độ. Đồng thời, những trường hợp trên cũng là đối tượng đấu tranh của Đảng, Nhà nước để tự làm trong sạch chính mình.

Một lần nữa xin nhấn mạnh, chế độ ta là một chế độ liêm chính. Những luận điệu được Đỗ Ngà đưa ra chỉ là những luận điệu xuyên tạc với mục đích, ý đồ tiêu cực, cần phải kiên quyết đấu tranh.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều