+
Aa
-
like
comment

Sự lạc hậu cuối cùng được gỡ bỏ

Công Luân - 04/03/2023 21:02

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng đặt câu hỏi: “Trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Nước Lào cạnh chúng ta còn không? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân”. Và 3 năm sau sự lạc hậu ấy cuối cùng đã được gỡ bỏ!

Nguời dân làm việc với các cơ quan chức năng

Ngày 01/01/2023, một dấu mốc “lịch sử” đối với công tác quản lý hành chính đã được thiết lập khi sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy chính thức bãi bỏ trong tất cả những giao dịch thủ tục hành chính. Thẳng thắn ghi nhận, để có được ngày này, trong suốt nhiều năm qua, lực lượng Công an đã không kể đêm ngày, tổng lực ra quân, với nhiều chiến dịch, thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ kép vừa đảm bảo ANQG, giữ gìn trật tự ATXH, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sản xuất, cấp CCCD gắn chip…

Khi các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật, kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ giảm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Đây mới chỉ là con số tạm tính từ việc người dân, cơ quan chức năng không phải thực hiện sao, chụp, chứng thực hoặc kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản. Một thay đổi nhỏ nhưng lợi ích đem lại vô cùng lớn cho người dân, doanh nghiệp, xã hội…

Đáng mừng nhất khi tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an…đã giúp đỡ, hỗ trợ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện Đề án 06 với kết quả ấn tượng. Và chỉ trong vòng 1 tháng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp với hơn 41.000 tỷ đồng đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chi trả phục vụ người dân bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19 mà không xảy ra nhầm lẫn, sai sót nào. Tất cả những kết quả trên cũng bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

Những kết quả quá tuyệt vời, thế nhưng để có ngày “lịch sử” 1/1/2023, trước đó đã có không ít những rào cản cả về thủ tục lẫn tư duy, nhận thức của không ít người mà Bộ Công an cũng như các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua.

Đơn cử như ngay trong buổi thảo luận Luật cư trú sửa đổi vào tháng 8/2020, rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý hộ khẩu mới khi bỏ sổ hộ khẩu từ 1/07/2021. Thậm chí, UB Pháp luật Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu tới năm 2025. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình ra để hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.

“Chúng tôi nghĩ tất cả bước đi lộ trình, tất cả các cơ quan có sự phối hợp để thực hiện việc này thì sẽ có đủ điều kiện thời gian và các điều kiện thời gian và các điều kiện khác. Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện“, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, nếu vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. “Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói, đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, các công dân. Bây giờ lại kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện việc này không cao“, Bộ trưởng từng nhấn mạnh.

Và nhờ quyết tâm cao độ ấy, lộ trình đã được thực hiện, chậm hơn 2 năm so với kế hoạch là do dịch Covid-19 nhưng dù sao cũng đã về đích. Sự lạc hậu cuối cùng cũng đã được cởi bỏ, tin tưởng rằng “chuyển số” cả trong thủ tục lẫn tư duy của lãnh đạo sẽ thực hiện tốt cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều