Sri Lanka là thất bại điển hình của một thể chế
Ngày 12/4, Bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa đã tuyên bố Sri Lanka không thể trả được các khoản nợ nước ngoài. Ngay từ thời điểm đó, nhiều người đã hình dung về tương lai ảm đạm của đất nước này chứ không cần phải đợi đến ngày 9/7 khi hình ảnh người dân Sri Lanka tràn vào dinh Tổng thống xuất hiện dày đặc trên báo chí quốc tế.
Năm 2019, Gotabaya Rajapaksa đại diện gia tộc chính trị lâu đời Rajapaksa dẫn dắt đảng Mặt trận Nhân dân chiến thắng cuộc tuyển cử và trở thành Tổng thống của đảo quốc Sri Lanka. Đến tháng 8/2022, với việc chiếm đa số ghế tại Quốc hội, ý muốn của nhà Rajapaksa thành sự thật, khi điều luật về giới hạn hai nhiệm kỳ dành cho tổng thống bị bãi bỏ. Người anh trai là Tổng thống lâu đời Mahinda Rajapaksa được bổ nhiệm làm Thủ tướng và một loạt các tân bộ trưởng đều là người thân của Tổng thống.
Chỉ với động thái này, tình hình chính trị Sri Lanka đã trở nên nguy hiểm, khi những tiếng nói đối lập bị bóp nghẹt, không khí thiếu dân chủ tất yếu dẫn đến những chính sách không được phản biện tốt, một chiều, cảm tính. Sai lầm đầu tiên là Chính phủ tuyên bố không theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng và giảm thuế trên diện rộng, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp. Điều này dẫn đến thất thu ngân sách 1,4 tỷ USD/ năm. Tiếp đến là quyết định in tiền với số lượng lớn, khiến cho lạm phát tăng chóng mặt. Và sau cùng, là kiên quyết từ chối tái cơ cấu nợ, dù được liên tục kêu gọi và kêu gọi nhiều lần.
Dịch Covid-19 xuất hiện ở Sri Lanka như một cơn bão đã quét sạch mọi hy vọng của đất nước này. Du lịch, ngành kinh tế đem lại ngoại tệ chủ yếu ở quốc đảo đóng cửa, kiều hối nhỏ giọt khiến dự trữ ngoại tệ bị bào mòn trong suốt hơn hai năm đã làm cho Sri Lanka không còn tiền nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và nhiên liệu.
Tình hình xã hội vì thế cũng hỗn loạn nhanh chóng, đỉnh điểm là từ cuối tháng 5, khi hàng loạt các trường học và công sở bị đóng cửa để tiết kiệm nhiên liệu, thậm chí bệnh viện chỉ tiến hành phẫu thuật khi bệnh nhân được nhận định ở vào tình thế cực kỳ nguy cấp. Số người xếp hàng ở cây xăng càng lúc càng dài và thời gian chờ có khi kéo đến hàng tuần chỉ để có được 3 lít xăng. Theo một khảo sát của Liên Hợp quốc cứ trong 5 người lớn ở Sri Lanka thì đã có 4 người bỏ bữa vì không đủ lương thực.
Bên cạnh đó, dù được các chủ nợ ân hạn nhưng đến 18/5, mọi nỗ lực của Sri Lanka để trả khoản lãi 78 triệu USD cho lô trái phiếu đáo hạn 2023- 2028 đã thất bại. Chính quyền Gotabaya Rajapaksa sụp đổ là điều tất yếu, nhưng sự trốn chạy của người đứng đầu Chính phủ nước này đã để lại một di sản thảm hại với tỉ lệ lạm phát lên đến 54,6%, giá thực phẩm tăng 80%, chi phí vận tải tăng 123%…
Câu chuyện của Sri Lanka đã là lời cảnh báo nghiêm khắc với các quốc gia đang phát triển, nơi việc điều hành của Chính phủ đôi khi thiếu sự giám sát cần thiết của người dân, bộ máy công quyền.
Nhìn từ Sri Lanka sẽ thấy Việt Nam khác hẳn. Việt Nam không có gia đình trị. Càng không có chuyện Chính phủ vay nợ trong khi phương án trả nợ không chi tiết, không sát thực tế. Và sẽ không có chuyện, kinh tế Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một ngành mũi nhọn.
Nền kinh tế chúng ta, dù còn vô số khó khăn nhưng suy cho cùng vẫn là một nền kinh tế đa dạng, không phụ thuộc vào chỉ 1-2 ngành mũi nhọn như Sri Lanka. Dù chuyển dịch chậm, cơ cấu các ngành trong nền kinh tế Việt Nam tương đối an toàn. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 40,95% GDP, khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 12,36% GDP, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 37,86% (theo thống kê của Tổng cục thống kê giai đoạn 2016-2021).
Về kiều hối, chúng ta cũng có được một dòng chảy mạnh mẽ hơn Sri Lanka, với chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu lao động, và các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư của kiều bào.
Về năng lượng, chúng ta mở rộng hợp tác với nhiều cường quốc để triển khai các dự án lọc dầu, dần đảm bảo an ninh năng lượng.
Vấn đề cần lưu tâm nhất qua câu chuyện của Sri Lanka có lẽ là việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư các dự án hạ tầng. Đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam cần lưu tâm nếu như không muốn rơi vào “bẫy nợ” như Sri Lanka.
Hy vọng với chiến lược nợ công được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh và an toàn trong thời gian tới.
Phạm Khoa