+
Aa
-
like
comment

Sốc về thông tin Việt Nam bị loại khỏi nhóm nước an toàn nhất trong đại dịch Covid-19

Hạ Trắng - 15/06/2020 19:40

Trong bảng xếp hạng an toàn trong Covid-19 do tổ chức Deep Knowledge Group (DKG) xây dựng và được Forbes công bố thì Thụy Sỹ xếp hạng nhất, Trung Quốc và Singapore đều có thứ bậc cao hơn Việt Nam dù nước ta có số ca nhiễm rất thấp và không có ca tử vong vì nhiễm virus Corona.

Theo Forbes, tổ chức DKG đã tổng hợp thông tin qua 130 chỉ số định tính và định lượng cùng hơn 11.400 mẫu dữ liệu theo các danh mục gồm hiệu quả kiểm dịch, theo dõi và phát hiện ca nhiễm, mức độ sẵn sàng của cơ quan y tế và hiệu quả chỉ đạo của chính phủ để cho ra bản báo cáo dài 250 trang.

Forbes dẫn báo cáo của DKG cho biết: “Thụy Sỹ và Đức đạt được vị trí số một và hai trong nghiên cứu nhờ vào khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như thông qua chiến lược nới lỏng phong tỏa và mở cửa kinh tế cẩn trọng, dựa trên cơ sở khoa học mà không gây hại đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng”.

Trong khi đó, Việt Nam – quốc gia liên tục xuất hiện trên báo chí và phương tiện truyền thông quốc tế nhờ thành tích chống dịch đáng tự hào, lại chỉ xếp hạng 20, sau Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc,… Còn Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp hạng 58/100, tức chỉ ngay sau Romania và trên Nga hai bậc.

Bảng xếp hạng 20 quốc gia/khu vực an toàn nhất hiện nay theo đánh giá của DKG

Đáng chú ý, thứ bậc xếp hạng của các quốc gia/khu vực đã thay đổi đáng kể sau khi đại dịch bùng phát và lây lan nhiều tháng liền. Ban đầu, các nước phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh với quyết tâm cao độ cũng xếp hạng cao nhất. Hiện tại, các nước có nền kinh tế ổn định trước đại dịch lại xếp hạng cao hơn.

Sau khi Forbes công bố danh sách 100 nước an toàn nhất trong đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến đã gửi về cho Forbes chất vấn trường hợp của Việt Nam và các nước vùng Caribe. Trước tình hình đó, Forbes đã trình lên tổ chức Deep Knowledge Group – cha đẻ của bảng xếp hạng này (Forbes chỉ là người đăng lại). Câu trả lời nhận lại thật bất ngờ họ nói rằng xếp hạng Việt Nam ở thứ hạng 20 (cuối nhóm 1) là đánh giá quá cao cho Việt Nam. Trong lần xếp hạng tới vào tháng 7, có thể sẽ đưa Việt Nam xuống nhóm 2 (tức là từ 21 đến 40). Ngoài ra họ còn bày tỏ sự nghi ngờ rằng Việt Nam có thể đang che giấu một số trường hợp nhiễm bệnh. Do đó trong thời gian tới có thể DKG sẽ ra 1 thông báo cho riêng trường hợp của Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể bị đẩy xuống nhóm 2 với thứ hạng thấp hơn nhiều.

Nội dung trao đổi giữa Forbes và DKG về trường hợp Việt Nam xếp hạng thế 20 và che giấu dịch.

Từ đầu tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo dịch sẽ sớm lây lan đến Việt Nam. “Phải chống dịch như chống giặc”, tờ Financial Times đã dẫn lại “mệnh lệnh” chống dịch của Thủ tướng. Kể từ đó, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy nước ta là một hình mẫu trong ngăn chặn dịch Covid-19 dù nguồn lực hạn chế nhưng cả hệ thống chính trị và nhân dân cực kì quyết tâm. Hàng loạt báo chí truyền thông quốc tế khen ngợi công tác chống dịch minh bạch, chủ động, quyết liệt, hiệu quả của Việt Nam. Ngay cả phóng viên của hãng thông tấn Reuters không tin vào sự thật này cũng đích thân đến nhà tang lễ để điều tra nhưng kết cục họ phải chấp nhận Việt Nam đã làm rất tốt công tác dập dịch.

Tính đến chiều ngày 8/6, Việt Nam chỉ ghi nhận tổng cộng 331 ca xác nhận dương tính với Covid-19 và không có ca tử vong nào, ngay cả bệnh nhân 91 nặng nhất, tiên lượng tử vong cũng được các y bác sỹ cật lực cứu chữa mấy tháng trời và phục hồi trở lại. Bloomberg nhận xét, con số trên chính là thành quả của quyết định nhanh chóng đóng cửa biên giới với Trung Quốc, cách ly hàng chục nghìn người dân, kiểm tra lịch sử dịch tễ và chương trình xét nghiệm trên quy mô hết sức ấn tượng.

Thông tin minh bạch, xét nghiệm chi phí thấp và tự chủ đồ bảo hộ sản xuất trong nước đã đóng góp vào thành công của Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam chỉ thực hiện giãn cách xã hội trong vòng một tháng và từ giữa tháng 4, toàn bộ các ca nhiễm mới đều từ nước ngoài trở về. Cái cách Việt Nam chống dịch đã được Mỹ học hỏi áp dụng cho đất nước họ. Theo chỉ số “Nhận thức Khủng hoảng Toàn cầu” do hai công ty tư vấn Blackbox Research và Toluna thực hiện, Việt Nam xếp hạng hai về mức độ hài lòng của người dân với chiến lược chống dịch của chính phủ và doanh nghiệp với 77 điểm, cao hơn Singapore.

Trong khi đó, Singapore (xếp hạng 4) lại có đến 38.296 ca nhiễm và 25 ca tử vong, còn Trung Quốc (xếp hạng 7) đang là ổ dịch lớn thứ 17 thế giới với 83.040 ca nhiễm và 4.634 trường hợp tử vong. Ngoài ra, Trung Quốc liên tục bị các cường quốc phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và Đức, cáo buộc phản ứng chậm trễ với dịch bệnh và che đậy số liệu chính xác về tình hình Covid-19 tại nước này.

Cũng xin nói thêm, Việt Nam có an toàn hay không thì không chỉ người dân Việt Nam mà còn có người nước ngoài đang sống ở Việt Nam biết và nhiều nước công nhận. Việc DKG và tạp chí Forbes cho rằng Việt Nam đang che giấu một số trường hợp nhiễm nCoV chẳng khác nào đang xuyên tạc nỗ lực chống dịch của Việt Nam. Chẳng lẽ, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ mắc sai lầm khi khen ngợi sự minh bạch, nhanh chóng thực hiện hàng loạt chiến thuật phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam?

Hạ Trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều