Số F0 ngoài cộng đồng cao hơn trong khu phong tỏa ở TP.HCM
Những ngày qua, tỉ lệ ca F0 mới trong cộng đồng tại TP.HCM đang tăng, chiếm 53% so với tổng số ca mắc, trong khi đó tỉ lệ F0 trong khu phong tỏa chiếm 41%.
Chiều 16-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức về triển khai kế hoạch số 2715 theo nghị quyết 86 của Chính phủ và văn bản số 2718 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP.
Tại buổi họp, đại diện các UBND quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo tình hình dịch bệnh, quản lý F0, tiến độ tiêm vắc xin, an sinh xã hội… trên địa bàn. Phần lớn các quận, huyện đều đã mở rộng được vùng xanh, thu hẹp điểm phong tỏa, chăm lo người lao động tự do, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương lên kế hoạch chi tiết đến từng ngày để thực hiện và “tranh thủ từng giờ”, triển khai sớm nhất có thể.
“Không nói quyết tâm nào mà không phải hành động. Hành động phải biểu hiện thành kế hoạch cụ thể”, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu.
Riêng với 7 địa phương mà TP giao mục tiêu kiểm soát dịch trước 30/8 (Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, 7, 11), Chủ tịch Phong nhấn mạnh đây là “mệnh lệnh”.
“Chúng ta không còn tính theo tuần nữa mà theo từng giờ và từng ngày, do đó, phải tranh thủ thời gian để triển khai các biện pháp quyết liệt”, ông nói.
TP.HCM chia 2 giai đoạn kiểm soát dịch trong 30 ngày giãn cách xã hội tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch Phong lưu ý riêng 7 địa phương nêu trên xác định chỉ có một giai đoạn và phải kiểm soát dịch trước 30/8, không có giai đoạn thứ hai. Ngoài 7 địa phương này, ông cũng khuyến khích các nơi khác sớm kiểm soát dịch.
Trao đổi với các địa phương, ông Phong cho biết những ngày qua, tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng. Trước đây, tỷ lệ F0 trong khu phong tỏa gần 80%. Nhưng hôm nay, F0 mới trong cộng đồng chiếm 53% (3.342 trường hợp), trong khu phong tỏa là 41%.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng tốc độ tiêm vắc xin, hạ quyết tâm chống dịch; tranh thủ từng giờ, từng phút để TP sớm quay lại trạng thái bình thường mới.
Ông cũng đề nghị UBND các quận huyện và TP Thủ Đức nhanh chóng cụ thể hóa nghị quyết trên từng tổ dân phố, phường, xã; đặc biệt cần chủ động thống kê đầy đủ người dân khó khăn để kịp thời hỗ trợ, không được bỏ sót ai.
“Khi chưa có dịch, người dân đem sức lao động đóng góp sự phát triển cho TP. Mùa dịch này các địa phương phải chăm lo đầy đủ cho người dân. Phải hết sức chủ động, lưu ý thống kê đầy đủ, không được bỏ sót người nào” – ông Phong nhấn mạnh.
Về công tác điều trị, Chủ tịch Phong lưu ý 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Các địa phương phải thực hiện trên cơ sở kế hoạch này. Ông cho biết bộ phận điều trị đã có quy trình hướng dẫn chung và các địa phương phải thống nhất với quy trình, cách phân tầng của thành phố, tránh trường hợp “trăm hoa đua nở”, mỗi quận vẽ ra một tầng, rất khó điều hành.
Thực hiện nghị quyết số 86 của Chính phủ, nhằm tăng cường triệt để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần chỉ thị số 16 từ 0h ngày 16-8 đến hết ngày 15-9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Giảm tiền trọ cho người dân
Báo cáo với UBND TP.HCM, nhiều địa phương cho biết đã triển khai các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có vận động giảm tiền trọ cho người dân.
Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết thành phố có khoảng 150.000 công nhân đang gặp khó khăn trong duy trì tiền thuê trọ. Thành phố đã phát động chương trình miễn giảm tiền thu nhà trọ, “Nhà trọ 0 đồng”. Đến nay, TP đã miễn giảm khoảng 43 tỷ đồng tiền thuê phòng trọ. Từ nay đến 15/9, TP đảm bảo điều kiện sinh sống cho công nhân giảm thu nhập do dịch bệnh.
Tại quận Bình Tân, lãnh đạo quận cho biết đến nay, quận đảm bảo cung cấp lương thực cho người khó khăn, đặc biệt ở các khu nhà trọ. Quận đã lập tổ vận động chủ nhà trọ để giảm giá cho người sinh sống với các tỷ lệ giảm là 50%, 70%, và 100%, tùy vào điều kiện của nhà trọ.
Huyện Bình Chánh đã vận động 4.200/5.600 chủ nhà trọ giảm tiền thuê với số tiền khoảng 15 tỷ đồng.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ danh sách, không bỏ sót trường hợp nào. Thành phố sẽ có gói hỗ trợ tiền nhà trọ cho người dân, đồng thời, giúp đỡ cả lương thực, thực phẩm và tiêm vaccine.
“Đây là đạo lý. Thời gian không có dịch, họ đem sức lao động đóng góp cho thành phố này phát triển. Họ góp phần sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho thành phố. Trong điều kiện hiện nay, trách nhiệm của ta là chăm lo đầy đủ cho họ”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhắn nhủ.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8. Ngày 15/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9.
Từ 27/4 đến sáng 16/8, TP.HCM ghi nhận 149.286 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.
Hồng Anh