Sếp lo “mất ghế” khiến doanh nghiệp nhà nước chậm cổ phần hoá
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ ra rằng nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tâm lý “sợ mất ghế” dẫn đến việc cổ phần hoá chậm chễ.
Sếp doanh nghiệp lo mất ghế
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (có chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp nhà nước), từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn còn chậm. Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước, đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.
Ông Long thẳng thắn nhìn nhận, nhiều lãnh đạo còn tâm lý e ngại trong việc thực hiện thực chất đổi mới khi cổ phần hóa, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, tư tưởng yên vị vẫn còn.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng vẫn còn tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ. Tâm lý này phát sinh từ việc cơ chế, chính sách của chúng ta còn nhiều lỗ hổng, chưa rõ ràng.
Xử lý cả người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, phần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt về doanh thu, lợi nhuận, quyền lợi cho người lao động…
Ông Trung nhận định, việc “sợ mất chỗ” sau cổ phần hoá chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ các cán bộ trình độ năng lực còn hạn chế.
Ngay từ giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu xử lý người đứng đầu doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ cổ phần hoá. Sang giai đoạn 2016-2020, chỉ thị 04/2017 và chỉ thị 01/2019 đã xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiệm hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá.
Song thực tế, việc xử lý người đứng đầu không hoàn thành cổ phần hoá theo tiến độ hầu như chưa có trường hợp nào. Đây là lý do khiến những người đứng đầu không cảm thấy e ngại.
“Tôi cho rằng, cần thực hiện nghiêm việc xử lý đối với người đứng đầu, không chỉ là người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hoá mà còn cả người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu”, ông Trung phân tích.
Ngoài ra, cần hoàn thiện quy định pháp luật, các thể chế về việc xử lý các hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá để làm căn cứ thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 15.8, đã ký Quyết định phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong số này được đánh giá có tiềm lực “khủng”, giá trị tài sản lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.
Thùy Dung/Lao động