Vượt khỏi “ao làng”
Điều bất ngờ nhất tại SEA Games 32 không chỉ có nữ chiến binh Nguyễn Thị Oanh của Việt Nam khi phá kỷ lục giành HCV liên tiếp trong thời gian ngắn nhất mà còn cần kể đến phần thưởng 10.000 USD của nữ VĐV điền kinh của Campuchia – Samnang. Mặc dù là về chót tại cuộc đua 5.000 m nữ nhưng ai cũng ủng hộ và cho rằng nữ VĐV ấy xứng đáng.
Trong cuộc đua 5.000m nữ hôm 8/5, Samnang bị tụt xuống cuối. Khi 10 VĐV khác thi đấu xong, cô vẫn còn hai vòng nhưng không bỏ cuộc. Dù lần đầu tiên tham dự SEA Games và cũng có thể dừng lại bất cứ lúc nào nhưng Samnang vẫn chạy. Cô chạy bất chấp những cơn mưa xối xả và kể cả mệt tới mức phải bật khóc. Có thể cô gái ấy thua trong cuộc đua tại SEA Games nhưng đã chiến thắng trong cuộc đua vượt lên chính mình ở cái tuổi 20.
Nói trong tự hào bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Hun Sen cho biết, “Để thưởng cho quyết tâm của cô ấy, vợ tôi và tôi sẽ tặng cô ấy 10.000 USD“.
Đây là một hình ảnh đẹp của SEA Games và truyền được cảm hứng rất lớn cho truyền thông quốc tế về tinh thần của nước chủ nhà Campuchia. Nó cũng phần nào làm nguôi ngoai bớt những ép uổng, bất công, phi lý của SEA Games 32.
Trên thực tế, những phàn nàn về việc ban tổ chức bất ngờ đổi lịch thi đấu vào giờ chót không phải là chuyện mới mẻ. Hầu như SEA Games nào cũng ầm ĩ những câu chuyện hậu trường, về việc các vận động viên bị gây áp lực, bị xử thua một cách oan uổng vì hướng đến thành tích.
Chính vì thế, luôn tồn tại suy nghĩ rằng thể thao khu vực sẽ không bao giờ vượt ra được biển lớn, hướng đến ASIAD hay Thế vận hội. Tuy nhiên, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, nơi tinh thần thể thao được tỏa sáng như cái cách mà Oanh hay Samnang đang làm vậy! Họ đã chứng minh rằng có những thứ còn xứng đáng và giá trị hơn đằng sau hai chữ “thành tích”. Hy vọng tinh thần ấy được lan tỏa hơn nữa tới chính những người đang mang trong mình sứ mệnh tổ chức để có một ngày SEA Games không còn phải mang tiếng là giải “ao làng”!
Hạ Băng