SCMP: Trung Quốc ngưỡng mộ tinh thần tương thân, tương ái đoàn kết một lòng của người Việt Nam
“Bằng nhiều cách khác nhau, cứu trợ, cung cấp thực phẩm đến tâm dịch, cung cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn ở Đà Nẵng cũng như nơi khác. Đây chính là “tình đồng bào” khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ!”, trích từ nhận xét của trang South China Morning Post (SCMP) ngày 17/8 dành cho Việt Nam.
Theo SCMP, trải qua gần 100 ngày mà không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, người dân Việt Nam đã hy vọng rằng đất nước sẽ trở lại bình thường như trước đại dịch. Nhiều người đã mất việc, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi chính phủ tuyên bố giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới để hạn chế lây truyền trong cộng đồng.
Kinh tế trong nước đã bắt đầu mở cửa trở lại từ tháng 5 khi các biện pháp nới lỏng có hiệu lực, nhưng làn sóng Covid-19 mới tấn công vào trung tâm thành phố Đà Nẵng hồi tháng 7 đã khiến người dân tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, các nhân viên y tế hối hả và nhiều người dân địa phương lại rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính.
Làn sóng Covid-19 lần này đã có hơn 470 trường hợp liên quan đến Đà Nẵng, điều này đã thúc đẩy các tổ chức, địa phương và doanh nhân nảy ra các sáng kiến mới, chẳng hạn như phân phối thực phẩm và cung cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn ở Đà Nẵng cũng như các nơi khác.
Trang SCMP trích lời bà Kim Le Sambolec, một chủ doanh nghiệp người Úc gốc Việt, đã và đang cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc cho các gia đình ở Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng Hội An là nơi tập trung đa số việc làm vào khách du lịch, và vì vậy không có bất kỳ khách du lịch nào đến đây, đã có rất nhiều người mất việc làm. Điều đó khiến bà tin rằng mình nên góp một phần công sức, giúp đỡ cho những người chịu khó khăn vì đại dịch này, đây cũng là việc làm nên có để giúp sức cho đất nước.
“Tôi tìm nguồn hàng từ các nhà cung cấp sẵn sàng cung cấp các mặt hàng cần thiết với giá gốc. Sau đó tôi kêu gọi mọi người giúp đỡ chia các món đồ thành từng gói để dễ dàng đưa cho từng gia đình đến lấy“, bà Kim chia sẻ với SCMP.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức Trẻ em Hy vọng (CHIA), một tổ chức phi chính phủ ở Quảng Nam, đã phát phiếu quà tặng cho những người đã đăng ký nhận trợ giúp, sau đó họ sẽ đến nhận các gói chăm sóc.
“Hàng trăm người đã xuất hiện”, bà Kim nói.
Còn đối với cô Grace Nguyen, người đồng sáng lập Hiệp hội từ thiện Karma Waters ở Hội An, cho biết cô thấy nhiều sinh viên hết tiền ăn và tiền thuê nhà. Nhiều người không thể trở về nhà do hạn chế đi lại.
Từ đó, Grace và chị gái của cô, Trang Nguyen, điều hành một chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên Đại học Duy Tân, nơi Trang đang làm việc đã cùng nhau cố gắng mở rộng chương trình sang các trường đại học khác. Từ đó giúp cho các sinh viên có nơi ở cùng thực phẩm đủ dùng trong những ngày tháng giãn cách xã hội.
Một trong những người được hỗ trợ cho biết cậu đã mất việc, đang sống qua ngày bằng mì gói tại ký túc xá. Những người quản lý ký túc xá đã thuê một công ty cung cấp các bữa ăn trợ cấp vì sinh viên bị cấm ra ngoài, nhưng cậu không đủ tiền mua thức ăn.
“Ở ký túc xá, chúng em không được phép nấu ăn, em chỉ có thể ăn mì gói hoặc phải ra ngoài ăn. Đã hai tuần trôi qua rồi và em đã ăn mì gói suốt khoảng thời gian đó, nó thực sự khiến em chán ngấy, nhưng giờ e cũng không được phép ra ngoài. May sao đã có chị Grace và chị Trang, hai chị đã giúp em vượt qua được khoảng thời gian đen tối này. Em thật sự biết ơn!”, Nguyên chia sẻ trên SCMP.
Một vấn đề khác trong quá trình đóng cửa là sự căng thẳng về sức khỏe tâm thần của cư dân. Anh Expat Ethan Levy, một doanh nhận đang làm việc tại Đà Nẵng, đã thành lập Dork Dancing vào tháng 6 để thúc đẩy sức khỏe tinh thần thông qua nhảy tự do.
“Nó đặc biệt hữu dụng trong thời điểm khó khăn này,” anh nói. Levy từng tổ chức các buổi khiêu vũ ở bãi biển nhưng giờ anh tổ chức chúng thông qua internet. “Mọi người cần phải di chuyển, ra ngoài và hòa nhập với xã hội để cảm thấy tốt hơn, vì vậy chúng tôi làm những gì có thể, di chuyển và hòa nhập xã hội trong giới hạn“, anh Levy cho biết.
Sáng kiến này đã mở rộng dần sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả Dork Meetups, cho phép mọi người khám phá hành trình chăm sóc sức khỏe và tinh thần của họ.
Người sáng lập Dork Meetups, Mily Carroll nói rằng “đôi khi sự im lặng về sự tồn tại bên trong của chúng ta có thể rất khó chịu” trong những tuần ở nhà trong thời gian xa cách xã hội. Dork Meetups tạo ra một không gian an toàn để mọi người điều tiết tâm trạng.
Trong khi đó, đợt bùng phát mới của Việt Nam đã khiến nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng khốn đốn. Theo anh Hồ Ngọc Thanh, một chủ nhà hàng và tình nguyện viên lâu năm ở Đà Nẵng, nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa định kỳ do bùng phát dịch giữa bệnh nhân và nhân viên. Điều này đã gây căng thẳng cho nhân viên và nguồn lực của họ.
Thành phố vừa chuyển đổi trung tâm thể dục thể thao thành bệnh viện dã chiến có quy mô 500 giường bệnh, nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 12/8. Đây là cơ sở thứ hai được thiết kế để giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đà Nẵng. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã cử các nhân viên y tế hàng đầu từ các nơi khác đến hỗ trợ Đà Nẵng.
Hơn hết, còn có nhóm cung cấp thức ăn và gói chăm sóc cho nhân viên bệnh viện. Kim đã gửi các gói hàng đến các phòng khám, bệnh viện và cơ sở cách ly. Các gói hàng của cô ấy có đủ những thứ cần thiết cho nhân viên bệnh viện, bao gồm nước rửa tay, gói vệ sinh và mì gói.
“Chúng tôi gửi thực phẩm đóng gói để họ có thể ăn vào đêm muộn, vì những nhân viên bệnh viện này đang làm việc suốt ngày đêm“, Kim nói.
Hồ Ngọc Thành, chủ nhà hàng kiêm tình nguyện viên, thuộc câu lạc bộ những người đam mê xe bán tải, đã và đang cùng các thành viên tình nguyện vận chuyển vật tư y tế, nguồn thực phẩm cho các bệnh viện và cộng đồng đang gặp khó khăn tại các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Trị.
Thanh và một cư dân địa phương khác, Vinh Tran, quyên góp và câu lạc bộ này giúp vận chuyển chúng. Theo ông Thành, nhu cầu về căn tin bệnh viện đã tăng gấp 4 lần sau đợt bùng phát mới.
“Trước đây, các nhân viên sẽ đi làm vào buổi sáng, về nhà ăn trưa và sau đó trở lại làm việc lúc 1 giờ chiều trước khi về nhà lúc 5 giờ chiều”, anh nói. “Khi Covid-19 bùng phát, mọi người phải ở trong bệnh viện và cách ly”.
Nhân viên căn tin bình thường không nấu cho nhân viên ba bữa một ngày, và các bệnh viện đang phải vật lộn để đối phó với việc đó.
Thanh cho biết anh không cảm thấy lo lắng về công việc của mình, bất chấp nguy hiểm khi làm việc ở những khu vực có độ rủi ro cao, vì anh và nhóm của mình trang bị bảo hộ cá nhân.
Cuối bài, trang SCMP cũng đã dành những lời khen ngợi khi nhìn thấy được những hành động vô cùng thiết thực, toàn dân một lòng hướng về Đà Nẵng, hỗ trợ Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn này: “Đây có lẽ chính là tình đồng bào mà người Việt Nam hay nhắc tới. Giờ chúng ta đã hiểu sự đoàn kết dân tộc thực sự là như thế nào, chỉ đến khi hoạn nạn mới thực sự biết tinh thần tương ái là như thế nào. Người Việt Nam thực sự đã khiến người Trung Quốc ngưỡng mộ vì những điều nhìn thì nhỏ bé nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn lao mà các bạn đã, đang làm vì ‘đồng bào’!”.
Bảo Trâm (Lược dịch theo SCMP)