+
Aa
-
like
comment

Sắp có “siêu cảng” trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD

Bích Vân - 15/05/2023 13:52

Mới đây, UBND TPHCM đã tổ chức Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý,… và các cơ quan đơn vị liên quan về triển khai Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – cho biết, đến nay cảng biển TPHCM đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch. Các cảng được xây dựng đồng bộ, khai thác hiệu quả đã góp phần lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và khu vực phía Nam. Đặc biệt, Tân cảng Cát Lái với sản lượng hàng hóa thông qua cảng bình quân đạt hơn 5 triệu teus/năm, được đánh giá là cảng nằm trong TOP 22 cảng biển lớn nhất thế giới.

Theo ông Bùi Xuân Cường, huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và tiếp giáp sông Thị Vải. Đây là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.

Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội đã xác định nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho TPHCM.

“Nghị quyết đã định hướng phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó gồm xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế như Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. UBND TPHCM đã giao Sở GTVT lập Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” – ông Cường cho hay.

Trình bày về đề án, ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển (Porcoast) – cho biết, dự án có tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, trong đó 6,8 km là bến tàu mẹ (bến chính) và khoảng 1,9 km bến sà lan.

Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ với kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 teus). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571 ha và diện tích mặt nước khoảng 477,63 ha với công suất khoảng 16,9 triệu teus.

“Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, mong muốn đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045” – ông Phạm Anh Tuấn thông tin.

Theo TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế, vị trí cảng Cần Giờ được đề xuất là rất thuận lợi, hơn nữa lần này nhà đầu tư là đơn vị vận tải biển hàng đầu. Đây là cơ hội mà TPHCM phải thực hiện nhanh nhất có thể để không vụt mất cơ hội.

“Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là đề án quá lớn, không chỉ đơn giản là câu chuyện xây cảng mà còn các vấn đề quy hoạch, kết nối và phát triển cụm cảng biển số 4. Bài toán đặt ra ở đây là chính quyền TPHCM cần có sự chuẩn bị kỹ càng, quyết tâm nhập cuộc để kịp tiến độ cảng vào năm 2027 như kỳ vọng của Chính phủ” – TS Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đơn vị đã thảo luận, đánh giá tiềm năng, nhu cầu, xu hướng phát triển, khai thác cảng biển nước sâu, cảng biển quốc tế trên địa bàn TPHCM gắn với sự phù hợp quy hoạch về cảng biển hiện nay và quy hoạch quốc gia.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất liên quan đến các mô hình đầu tư phát triển cảng biển nước sâu, cảng quốc tế thành công trên thế giới, những khó khăn thách thức, vấn đề bảo vệ môi trường… cũng được nêu ra tại Hội thảo, từ đó vận dụng nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Sở GTVT TPHCM cho biết đơn vị đang phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND TP ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án, Kế hoạch lập Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Sở GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, hoàn thiện Đề án, trình UBND TP xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2023.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều