+
Aa
-
like
comment

Sao ra nước ngoài tuân thủ giao thông tốt, về nước lại khác?

11/11/2020 18:20

Đấy là câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ.

Luật giao thông đường bộ năm 2008 được Chính phủ “tách” làm hai dự luật là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội xem xét.

Sao ra nước ngoài tuân thủ giao thông tốt, về nước lại khác? - Ảnh 1.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Ảnh: QUANG VINH

Sáng nay (11-11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 dự án luật nêu trên.

Việt Nam chưa có “giao thông thông minh”

Là một chuyên gia về tổ chức giao thông, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) ủng hộ sửa đổi Luật giao thông đường bộ 2008 vì “đến nay đã phát sinh nhiều bất cập”. Tuy vậy, ông cho rằng bản dự thảo luật sửa đổi trình Quốc hội lần này chưa giải quyết được nhiều tồn tại của thực tế đang đặt ra.

“Thứ nhất là phân loại đường”, ông Thường cho biết là thông lệ quốc tế người ta phân loại theo chức năng của đường như đường cao tốc, đường trục, đường nhánh…, còn ta lâu nay phân cấp là đường quốc lộ, tỉnh lộ, nội đô…

Vì chưa quy định rõ việc phân loại đường theo chức năng nên tổ chức giao thông chưa tốt, ví dụ tình trạng đấu nối không theo nguyên tắc nên nhiều chỗ đấu nối gây ảnh hưởng đến năng lực vận hành của hệ thống giao thông.

“Chúng ta nói về giao thông thông minh nhưng chúng ta đã làm gì có, chỉ mới có mấy cái camera lắp ngoài đường” – đại biểu Thường bình luận.

Ông giải thích: giao thông thông minh là phải có trung tâm điều khiển với hệ thống cảm biến, kết nối với các phương tiện để người ta biết đường này thì đang đông, đường kia đang thoáng, người tham gia giao thông được hướng dẫn, gợi ý khi đang lưu hành, giúp việc tổ chức giao thông hiệu quả, giảm ùn tắc và tai nạn, tiết kiệm chi phí thời gian tham gia giao thông của xã hội.

Ở Đài Loan người dân sử dụng rất nhiều xe máy, nhưng do tổ chức giao thông tốt, người ta tính toán đến từng pha nháy đèn, từng tình huống rẽ trái, rẽ phải để tiết kiệm thời gian nhất cho người đi đường.

Ông Thường dẫn chứng hiện ở ta có tình trạng cứ nơi đâu có cảnh sát đứng trực là tình hình giao thông trật tự, nhưng vắng bóng cảnh sát thì lại lộn xộn, vượt đèn đỏ, chèn vào nhau.

“Tại sao cũng người Việt Nam mà đi ra nước ngoài lại tuân thủ tốt, về nước lại không tuân thủ? Tôi cho rằng ngoài nguyên nhân là ý thức người tham gia, thì còn thiết kế hệ thống giám sát, lưu trữ dữ liệu của ta chưa tốt, công tác xử lý chưa hiệu quả cao” – ông Thường nói.

Nếu giao thông đô thị đang là vấn đề nan giải, thì giao thông nông thôn cũng là vấn đề rất lớn đang đặt ra.

“Đường nông thôn ngày xưa chủ yếu là các phương tiện thô sơ, người đi bộ, trâu bò đi…, nhưng nay nhiều nhà mua được ôtô, rồi các phương tiện cơ giới chuyên dụng nông nghiệp. Nhiều đường làng quá chật hẹp, hai ôtô đi ngược chiều không tránh được nhau.

Với tình trạng như vậy chỉ vài năm nữa là tắc đường trong làng, xã. Chúng ta đang rất thiếu hành lang pháp luật quy định về giao thông nông thôn” – đại biểu Thường nêu vấn đề.

Sao ra nước ngoài tuân thủ giao thông tốt, về nước lại khác? - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể – Ảnh: Quochoi.vn

Phải xem xét kỹ việc “tách” luật

Nhìn vào thực trạng “giao thông lộn xộn” của ta, đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng nó có nguyên nhân từ “đào tạo không bài bản, học hành loăng quăng, lái xe đi một số đoạn rồi vào thi lấy bằng, đường sá thì thiếu đồng bộ”.

Nhất trí là phải sửa luật, nhưng đại biểu Được “đề nghị chưa nên tách luật, để lại sang khóa XV bàn cho kỹ”. Ông cho rằng tổ chức giao thông là lĩnh vực dân sự, công an là lực lượng vũ trang, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, các công việc bởi nếu không cẩn thận thì lại chồng chéo, trùng lặp.

“Nếu tách luật này thì tới đây các luật đường sắt, đường thủy nội địa, đường không có tách ra nữa không?” – ông Được đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn việc tách Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) với Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có thể gây nên chồng chéo trong quản lý.

“Các luật đều phải nhằm mục đích quy định quy tắc và trật tự giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Việc tách e rằng mất đi tính tổng thể, mỗi ngành quản lý theo cách của mình dẫn tới chồng chéo và tác động hiệu quả quản lý. Có thể phân công, phân định trách nhiệm các ngành nhưng không nhất thiết quy định trong 2 luật” – ông Tùng nói.

Dẫn chứng cụ thể về những điểm chồng chéo, ông Tùng cho hay Luật giao thông đường bộ điều chỉnh liên quan tín hiệu giao thông, biển báo dưới góc độ hạ tầng, xây dựng, và Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng điều chỉnh về biển báo và tín hiệu giao thông.

“Về việc vận hành biển báo giao thông đường bộ, với hệ thống tín hiệu đèn thì khi lắp đặt xong phải được chủ đầu tư, cơ quan quản lý tổ chức vận hành thử trước khi nghiệm thu đưa vào khai thác. Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông lại quy định ngành công an chỉ huy, điều hành giao thông, như vậy có thể dẫn tới chồng chéo” – ông Tùng nêu ví dụ.

“Tách hai luật không làm nảy sinh bộ máy nhà nước”

Không giải thích vì sao phải tách 2 luật và giao việc quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an theo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản pháp luật, được lấy ý kiến nhiều vòng.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm, việc tách hai luật không làm nảy sinh bộ máy nhà nước. Việc chuyển chức năng sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an cũng không ảnh hưởng đến việc tổ chức các trung tâm sát hạch bởi việc này lâu nay đã xã hội hóa.

Bộ Công an chỉ quản lý đúng tiêu chuẩn, chống việc gian lận và cấp giấy phép, còn lại các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường.

L.KIÊN – N.AN – T.LONG/TT

Bài mới
Đọc nhiều