+
Aa
-
like
comment

Sàng lọc nhân sự: Bài học nào cho Việt Nam?

Minh Thanh - 24/08/2022 14:42

Sự bất ổn trong quá trình sàng lọc nhân sự cũng như các chính sách hỗ trợ lao động chưa thật sự phù hợp đã khiến cho nhiều nhân tài của Việt Nam quyết tâm “dứt áo ra đi”. Điều này khiến cho Chính phủ gặp khó khăn trong việc làm thế nào để vừa đảm bảo giữ chân được các nhân tài, vừa thực thi được chính sách tinh giản biên chế cán bộ để giảm chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Mới đây, thông tin Facebook sa thải hàng loạt nhân viên làm việc theo dạng hợp đồng thông qua công ty trung gian Accenture đã làm dấy lên một hồi chuông báo động về làn sóng tinh giản nhân sự trong các công ty công nghệ ở Mỹ. Ban lãnh đạo Accenture thậm chí còn khẳng định việc quyết định “ai ở lại, ai ra đi” sẽ được đưa ra bởi một thuật toán ngẫu nhiên và không có một sự thiên vị nào xảy ra trong trường hợp này.

Tuy nhiên các nhân viên bị mất việc không cần phải quá lo lắng bởi theo đại diện của Accenture, họ sẽ được phép nộp hồ sơ để phỏng vấn lại từ đầu. Và nếu quá trình phỏng vấn thuận lợi thì họ vẫn có thể được nhận lại vào công ty làm việc.

Nhìn từ góc độ kinh tế thì rõ ràng đây là một cách hiệu quả để giúp Facebook có thể sàng lọc lại toàn bộ nhân sự cũng như kiểm tra văn hóa làm việc của công ty. Bởi nếu một công ty sở hữu môi trường làm việc tốt cùng với văn hóa công sở tích cực thì không ngại gì việc thiếu hụt nhân sự. Thay vào đó các ứng viên sẽ tự tìm đến và cạnh tranh với nhau để có được một vị trí trong môi trường làm việc của công ty.

Mặt khác, tính cạnh tranh cũng là một trong những tiêu chí rất quan trọng để giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nhân sự. Hay nói cách khác sự cạnh tranh giữa các ứng viên hoặc nhân viên sẽ trở thành động lực giúp thúc đẩy công ty phát triển và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Công nhân trong một nhà máy sản xuất

Nhìn về phía Việt Nam, rõ ràng thị trường lao động và việc làm của nước ta đang khát nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi cơ chế sàng lọc ứng viên vẫn chưa được triển khai tốt, kể cả đối với các cơ quan Nhà nước.

Theo Kết luận số 40 của Bộ Chính trị vừa được ban hành trong thời gian gần đây, giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.Tinh giản biên chế là cách mà các cơ quan hành chính Việt Nam sàng lọc nhân sự

Về cơ bản thì việc Nhà nước thực hiện tinh giản biên chế là một điều rất tốt. Bởi thực tiễn những năm qua cho thấy, bộ máy hành chính của Việt Nam vẫn còn khá cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả. Do đó chủ trương tinh giản biên chế trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp là để giúp khắc phục tình trạng này. Đồng thời làm gọn lại các quy trình, thủ tục rườm rà, không cần thiết cũng như giảm bớt nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho lực lượng lao động dư thừa và vượt quá nhu cầu của thực thi công vụ.

Tuy nhiên nếu muốn quá trình cắt giảm biên chế diễn ra thuận lợi và đúng với chủ trương, mục tiêu đề ra, Chính phủ cùng với các cơ quan ban ngành phải tự tìm cho mình một cơ chế sàng lọc riêng dựa trên thực tiễn của đơn vị để giữ vững nhân tài.

Chưa kể một số chính sách về lao động của Việt Nam hiện nay vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu lao động trong nước. Chẳng hạn như chế độ tiền lương, bảo hiểm, chính sách hỗ trợ nhà ở, bình ổn giá,… Sự bất ổn trong chính sách sàng lọc và phát triển lao động của Việt Nam đã khiến cho nhiều lao động giỏi của Việt Nam quyết định chọn ra nước ngoài để làm việc thay vì cống hiến cho Tổ quốc. Hay việc nhiều cán bộ Nhà nước lại muốn chuyển sang làm cho tư nhân,… Đó cũng chính là những điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở trong Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập vừa qua.

Chính vì thế, nếu muốn giải được bài toán khó khăn về lao động thì trước tiên Việt Nam cần xây dựng ra một cơ chế sàng lọc ứng viên ngay từ đầu để tìm ra những ứng viên phù hợp nhất. Đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ đúng đắn cho người lao động. Chỉ có như vậy thì thị trường lao động của Việt Nam mới thật sự phát triển bền vững và đưa nước ta từng bước hội nhập cùng bạn bè quốc tế.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều