+
Aa
-
like
comment

Sai phạm tại SCB: Kiểm toán, thẩm định không thể vô can!

Thành An - 15/04/2024 14:30

Việc HĐXX phiên tòa sơ thẩm các sai phạm xảy ra tại ngân hàng SCB đề xuất cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của các báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi các doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu thế giới đã chỉ ra những lỗ hổng trong quá trình kiểm toán. Vậy 3 hãng kiểm toán được nêu tên có trách nhiệm như thế nào với các sai phạm xảy ra tại ngân hàng SCB?

HĐXX vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát.

“Big 4” kiểm toán liên quan thế nào với sai phạm tại SCB?

Hội đồng xét xử đã đề xuất Bộ Công an điều tra rõ trách nhiệm của 3 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới, được gọi là “Big 4”, đã thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và đề xuất xử lý nếu có đủ bằng chứng. Đề xuất này được Hội đồng xét xử (HĐXX) của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra sau khi xét xử giai đoạn 1 của vụ án tại SCB và Vạn Thịnh Phát.

Theo đó, HĐXX đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), cùng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại SCB và xử lý vi phạm nếu có đủ chứng cứ.

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2020, ba hãng kiểm toán hàng đầu thế giới thuộc nhóm “Big 4”, bao gồm Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), Deloitte Việt Nam và KPMG Việt Nam, đã được SCB thuê để thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm.

C03 sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán Ernst & Young, Deloitte Việt Nam và KPMG tại ngân hàng SCB.

Cụ thể, EY Việt Nam đã kiểm toán cho ngân hàng này trong 5 năm, từ 2012 đến 2016. Sau đó, SCB chuyển sang sử dụng Deloitte Việt Nam trong 3 năm, từ 2017 đến 2019. Năm 2020, KPMG Việt Nam là công ty kiểm toán cho SCB.

Trong suốt một thập kỷ, ba hãng kiểm toán đã đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ về báo cáo tài chính của SCB và không phát hiện bất kỳ điểm nào bất thường liên quan đến tình hình tài chính của ngân hàng. Tại thời điểm kiểm toán gần nhất vào tháng 6/2021, SCB đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt hơn 450 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi vụ án bùng phát, SCB đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Kết quả kiểm toán sau đó cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, ngân hàng này đã ghi nhận lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu âm gần 444.000 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn sáng 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng trong vụ án tại SCB có sai phạm của kiểm toán viên, thẩm định viên.

Trả lời các câu hỏi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đã vi phạm. Theo ông, vi phạm này không phải là do công tác quản lý mà là do kiểm toán viên và thẩm định viên.

Ông Phớc cũng nói thêm rằng các sai phạm của các công ty kiểm toán trong các vụ án hình sự có thể do nhiều yếu tố như năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ kiểm toán. Ông cũng không loại trừ khả năng có sự cấu kết và vi phạm pháp luật của các kiểm toán viên.

Bộ trưởng Tài chính cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại các bộ hồ sơ và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm.

Kiểm toán viên là ai?

Nhu cầu kiểm toán xuất phát từ sự không thể và không cần thiết của các chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông) tự kiểm tra mọi thông tin tài chính của doanh nghiệp. Vì giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập và báo cáo thông tin tài chính cho họ, nên họ đã bổ nhiệm các kiểm toán viên để kiểm tra độc lập và báo cáo về tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính.

Cùng với sự phát triển và đa dạng của nền kinh tế, thông tin tài chính được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và đối tượng người sử dụng cũng đa dạng. Tuy nhiên, tất cả họ đều cần đảm bảo tính trung thực và hợp lý của thông tin tài chính mà họ nhận được. Do đó, nghĩa vụ chính của kiểm toán viên là báo cáo độc lập dựa trên kết quả kiểm toán về mức độ trung thực và hợp lý của thông tin tài chính.

Nhóm Big4 kiểm toán.

Trong một số trường hợp, kết quả kiểm toán có thể chỉ ra rằng doanh nghiệp vi phạm pháp luật ở mức độ nào đó. Trong trường hợp này, kiểm toán viên cũng có trách nhiệm báo cáo cho các cơ quan chức năng về vi phạm của doanh nghiệp. Tóm lại, nghĩa vụ của kiểm toán viên là:

– Báo cáo cho những người sử dụng kết quả kiểm toán theo yêu cầu và mục đích của kiểm toán.

– Báo cáo cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm pháp luật mà pháp luật yêu cầu phải báo cáo.

Việc xác định nghĩa vụ báo cáo của kiểm toán viên rất quan trọng vì cuộc kiểm toán được thực hiện dựa trên hợp đồng kiểm toán giữa đơn vị được kiểm toán và tổ chức kiểm toán. Tuy nhiên, người sử dụng kết quả kiểm toán mới là đối tượng chính mà kiểm toán viên phải báo cáo, bao gồm các cổ đông, người cho vay và những đối tượng khác theo qui định của pháp luật.

Để thực hiện trách nhiệm của mình, kiểm toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực kiểm toán, bao gồm tính độc lập, chính trực và khách quan. Họ cũng phải phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu hoặc các hành vi vi phạm pháp luật của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong thực tế, có sự chênh lệch giữa mong muốn của người sử dụng kết quả kiểm toán và phạm vi trách nhiệm của kiểm toán viên. Mong muốn này thường vượt quá khả năng của kiểm toán viên. Trách nhiệm của kiểm toán viên là đảm bảo rằng không có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính và họ cũng không phải chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn gian lận.

Trách nhiệm pháp lý của kiểm toán viên được quy định bởi luật pháp. Nếu họ vi phạm pháp luật hoặc gây thiệt hại cho khách hàng do thiếu trách nhiệm hoặc không đủ năng lực, họ có thể bị thu hồi chứng chỉ và bị xử lý theo pháp luật.

Thực tế cho thấy, bên cạnh hợp đồng kiểm toán giữa ngân hàng SCB và các hãng kiểm toán là hợp động dịch vụ, xét về bài toán kinh doanh, việc bên cung ứng dịch vụ lại chỉ ra những sai phạm (muốn che dấu) của bên sử dụng dịch vụ cũng đồng nghĩa là chấm dứt luôn giá trị hợp đồng.

Thế nhưng, như đã trình bày ở trên, vai trò của kiểm toán là vai trò đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ họ không được phép đưa ra các nhận định, báo cáo sai lệch với thực tế vì như vậy sẽ đánh mất uy tín mà chính hãng kiểm toán đó đã xây dựng nên. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu kiểm toán viên phát hiện các vi phạm pháp luật mà không tố giác cho cơ quan chức năng cũng đồng nghĩa với khả năng vi phạm vào tội danh “Không tố giác tội phạm” được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Như vậy tới đây, kết quả điều tra mở rộng của các cơ quan chức năng trong giai đoạn 2 của vụ án sẽ giúp chỉ ra yếu tố nào của các kiểm toán viên đã vi phạm, và liệu có hay không hành vi tiếp tay của chính các kiểm toán viên đối với các báo cáo tài chính đẹp như mơ suốt thập kỷ qua tại SCB?

Thế nhưng, trước mắt, có lẽ sự “bảo tín” của cái gọi là “Big 4” trong ngành kiểm toán chắc nhà đầu tư cần phải thận trọng hơn…

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều