+
Aa
-
like
comment

Sách lược luồn lách thâu tóm Biển Đông qua các mưu đồ của Trung Quốc

Ốc Biển Trường Sa - 07/08/2020 15:55

Cho tàu quân sự, tàu hải giám xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông, và tuyên bố đầy khiêu khích khi lập các trạm nghiên cứu, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong chiến lược thu tóm Biển Đông của Trung Quốc. Những thủ đoạn đánh tráo khái niệm, hòng độc chiếm tài nguyên trên Biển Đông và thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc thực hiện, đó là những chiến lược mới, phần chìm của tảng băng và cũng là những thủ đoạn thâm sâu, đầy nham hiểm.

Đưa giàn khoan, tàu quân sự khiêu khích, lập trạm nghiên cứu – Chỉ là phần nổi

Trước khi dịch Covid có nguồn gốc từ Vũ Hán bùng phát khắp toàn cầu, từ tháng 12-2019 đến 1-2020, Trung Quốc đã triển khai tàu dân quân đến vùng biển Natuna của Indonesia. Tháng 3-2020, trong lúc dịch bệnh nhen nhúm, lợi dụng các quốc gia bắt đầu chống virus corona, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động khiêu khích: công bố thiết lập các trạm nghiên cứu trên các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa của Việt Nam. Vừa triển khai chiến dịch “bích hải 2020”, liền sau đó ngày 2-4-2020 tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Đến ngày 1-5, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá, bao trùm vùng biển của Việt Nam và Philippines.

Điều đáng chú ý, Trung Quốc thích chơi ván bài “mèo vờn chuột” với các nước láng giềng. Diễn biến gần đây nhất, ngày 25- 7, sau hơn 10 ngày khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, thì tàu Hải Dương Địa chất 12 của Trung Quốc chuyển hướng sang vùng biển Việt Nam. Liền sau đó Trung Quốc lại điều tàu Hướng Dương Hồng 18 tiến hành các hoạt động ở vùng biển phía tây Philippines. Việc Trung Quốc tăng cường các tàu khảo sát hoạt động trên vùng biển Việt Nam và Philippines ngoài mục tiêu thu thập dữ liệu hàng hải trên biển Đông, còn có nhiều dụng ý. Một phần trong đáp án, đã được lý giải thông qua tuyên bố đầy sắc bén của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: “Biển Đông không phải đế chế hàng hải của Trung Quốc”.

Thời gian qua, theo dõi sát động thái của Trung Quốc đều thấy rõ, lợi dụng bối cảnh đại dịch bùng phát, các quốc gia trên thế giới phải tập trung nhiều hơn cho công tác nội trị, Trung Quốc đã triển khai chuỗi hành động hung hăng hơn trên Biển Đông, đầy khiêu khích. Tuy nhiên, việc cố tình ra mặt gây hấn, xâm phạm, khuấy động Biển Đông bằng các hành vi trên, chỉ là phần nổi, phần chìm của tảng băng: chiến lược mềm, chiêu trò “tằm ăn dâu”, sửa đổi thuật ngữ, vẽ ra thuật ngữ mới để có lợi cho yêu sách biến Biển Đông thành ao nhà, đáng chú ý hơn nhiều và được Trung Quốc thực hiện tinh vi hơn.

Kinh tế xanh – Phần chìm đầy mưu đồ trong sách lược mềm

Vừa mới đây, Trung Quốc đã sửa đổi thuật ngữ, định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”. Bằng cách này, Trung Quốc muốn vẽ lại tính pháp lý của vùng biển, tăng khả năng tiếp cận tối đa nhằm củng cố cho các yêu sách chủ quyền của mình trên biển Đông, đồng thời né các điều khoản trong Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) gây bất lợi cho Trung Quốc.

Bên cạnh trắng trợn biến vùng biển xa bờ, thành gần bờ, Trung Quốc còn ra sức biến điều phi lý, thành hợp lý khi định nghĩa về cái gọi là “kinh tế xanh”. Theo định nghĩa mà Trung Quốc đưa ra, kinh tế xanh là sự phát triển của 3 lĩnh vực bao gồm, công nghệ hải dương, kinh tế hải dương (ngư nghiệp, sản xuất dầu khí, du lịch biển) và văn hóa hải dương, lấy kinh tế biển làm chủ đạo để phát triển kinh tế phối hợp trên biển và đất liền. Từ năm 2017, chiến lược này không chỉ áp dụng trong nước mà đã được chính phủ Trung Quốc triển khai thiết lập quan hệ đối tác kinh tế xanh với các nước ven biển trên tuyến một vành đai một con đường. Với các định nghĩa đưa ra phía trên, tất cả đều đi đến mục đích, giúp Trung Quốc hợp pháp hóa, làm các quốc gia lệch hướng nhận thức về việc Trung Quốc độc chiếm tài nguyên Biển Đông. Và hiện nay, Trung Quốc đang thúc giục các nước ASEAN đồng ý với tuyên bố chung cấp cao về kinh tế xanh, dự đoán sẽ được đưa ra vào tháng 8 hoặc tháng 11-2020.

Trách nhiệm bảo vệ an ninh hàng hải, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cần có sự hành động của tập thể, những tiếng nói đồng lòng từ nhiều tổ chức.

Việt Nam đã có chiến lược thế nào? 

Đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc, đó là câu chuyện dài, đấu trí và cả đấu lý, để không rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc giăng ra. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang làm rất tốt điều đó, các nhà lãnh đạo thượng tầng đi đúng hướng ngay từ giây phút đầu, khi chọn đấu tranh bằng pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, và ngoại giao. Kết quả hiện tại, Việt Nam không chỉ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của bạn bè quốc tế trong vấn đề chủ quyền liên quan đến Biển Đông, mà song song đó, còn nâng cao được sự tín nhiệm, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thông qua sự kiện Việt Nam được Hoa Kỳ mời tham dự vào câu lạc bộ “tứ giác an ninh”.

Trong khi đó, cùng là quốc gia bị Trung Quốc đe dọa, khiêu khích, dưới sự cổ vũ kèm những lời hứa “bong bóng” của một vài quốc gia, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Kết quả, dù được tòa trọng tài tuyên chiến thắng, nhưng đảo đi một vòng, tốn nhiều thời gian và ngân sách, thì cuối cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng phải tuyên bố: “Philippines nên giữ bình tĩnh và theo đuổi những nỗ lực ngoại giao để đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông”. Có nghĩa là Philippines quay lại, nối gót đi theo con đường mà hiện nay Việt Nam đang đi, và xác quyết ngay từ đầu.

Đi một nước cờ hàm chứa trong đó nhiều nước bí và cả cơ hội giành thế thượng phong, cho nên mọi hành động Việt Nam thực hiện đều cẩn trọng, cân nhắc: Chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh và không đánh thuê ai, không vì sự xúi giục của ai mà đánh mất chủ trương, quan điểm, đường lối của mình.

Có làm chủ được bản thân, có tư duy độc lập, thì mới làm chủ được vận mệnh của đất nước.

Ốc Biển Trường Sa 

Bài mới
Đọc nhiều