+
Aa
-
like
comment

Reuters: Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội từ cạnh tranh Mỹ-Trung

Trần Anh - 20/01/2021 21:00

Ngày 21/1, tác giả Khanh Vu và Phuong Nguyen đã có bài viết trên báo Reuters (Anh) nhận định về những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong 5 năm tiếp theo, đặc biệt là mối quan hệ song phương với hai đối tác quan trọng nhất Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cánh Cò xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả:

Vào tuần tới, Việt Nam sẽ bước vào Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đưa ra định hướng vai trò của đất nước trong 5 năm tới, lựa chọn những lãnh đạo mới và đề ra chủ trương, chính sách trong tương lai, trong đó có mối quan hệ song phương với hai đối tác quan trọng là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh tân Tổng thống Joe Biden vừa chính thức nhận nhiệm sở.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2, sẽ đặt nền móng cho các lãnh đạo Đảng tận dụng thành công về kinh tế để thúc đẩy vị thế của Việt Nam. Mấu chốt quan trọng sẽ là thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ với hai đối tác quan trọng là Trung Quốc và Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới đã rơi khỏi quỹ đạo thường nhật.

Hưởng lợi từ quá trình tái định hướng dòng chảy thương mại toàn cầu, Việt Nam đang dần phát triển thành một trong những trung tâm sản xuất linh kiện công nghệ quan trọng nhất, cũng như trung tâm sản xuất hàng may mặc của thế giới, cùng với đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế so với hầu hết các quốc gia khác kể từ sau đại dịch COVID-19.

Ông Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore cho biết: “Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm tình hình địa chính trị và môi trường kinh tế trong khu vực tiếp tục bất ổn. Với thị trường rộng mở và phụ thuộc vào thương mại quốc tế cùng đầu tư nước ngoài, đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam.”

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm qua trung bình đạt 6,0%, và vẫn tiếp tục tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 trong khi đại dịch toàn cầu đã đè bẹp các nền kinh tế khác: Việt Nam đến nay đã thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 với chính sách cách ly xã hội, xét nghiệm và truy vết nguồn lây nghiêm ngặt.

Với chỉ hơn 1.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong, nền kinh tế Việt Nam đã vượt xa nhiều nước châu Á trong năm qua, và hiện nay đã nhắm đến mục tiêu tăng trưởng GDP 7,0% trong 5 năm tiếp theo.

“Các nhà lãnh đạo sẽ tìm cách giảm thiểu những tác động tiêu cực và tận dụng mọi cơ hội, đặc biệt là từ cuộc chuyển hướng dòng thương mại và đầu tư khỏi Trung Quốc”, ông Hiệp nhận định.

Căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ

Từng là “cựu thù” trong chiến tranh Việt Nam, mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington trong những năm qua đã trở nên nồng ấm hơn rất nhiều, nhưng vẫn còn đó những căng thẳng về thương mại gần đây.

Mặc dù việc chuyển hướng chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, Việt Nam có thể phải chấp nhận sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn từ Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joe Biden.

Thâm hụt thương mại hai nước đang ngày càng lớn, khi chính quyền cựu Tổng thống Trump đã gán mác “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam vào cuối năm ngoái, đưa ra viễn cảnh gia tăng thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam. Thâm hụt trong 1 năm qua đã tăng từ 47 tỷ USD (2019) lên 63 tỷ USD (2020).

Người Phát ngôn Hoa Kỳ hồi đầu tháng đã cáo buộc việc giảm giá đồng tiền của Việt Nam là “không hợp lý” và hạn chế thương mại của nước này với Hoa Kỳ, nhưng không áp dụng lệnh trừng phạt thuế quan, mà bỏ ngỏ quyết định vào tay chính quyền của ông Biden.

“Việt Nam cần phải duy trì đối thoại với Hoa Kỳ để giúp hiểu rõ hơn chính quyền của ông Biden, và đánh giá chính sách và hoạt thương mại và tiền tệ”, một chuyên gia khác từ Viện ISEAS–Yussof Ishak nhận định

Vùng biển nhiều biến động

Trong khu vực, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng tại Châu Á và nhu cầu nâng cấp hệ thống giáo dục để tăng cường nguồn cung ứng lao động tay nghề cao.

Các nhà quan sát cũng nhận định một thách thức khác của Việt Nam là tìm kiếm hướng giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và năng lượng. Một chuyên gia tại Viện ISEAS–Yussof Ishak nhận định: “Trước viễn cảnh trên Biển Đông, Việt Nam cần phải kiên định và sẵn sàng ứng phó với các hành động gây hấn trong khu vực.”

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hiệp nhận định các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của Trung Quốc đối với an ninh và sự ổn định kinh tế của Việt Nam, và đánh giá Việt Nam sẽ “cố gắng duy trì sự cân bằng của mình giữa hai cường quốc”. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là nguồn cung ứng nguyên liệu và thiết bị lớn nhất cho nền công nghiệp sản xuất đang bùng nổ tại Việt Nam.

Những thách thức khác trong 5 năm tới của Việt Nam bao gồm nhu cầu thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do quốc tế và chính sách ngoại giao năng động và hiệu quả hơn nữa. Tăng cường năng lực quốc phòng cũng là một trọng tâm của Việt Nam, nhằm giúp giải quyết các vấn đề xung quanh khu vực sông Mê Kông, và đồng thời củng cố các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 như tiêm chủng toàn dân…

Trần Anh (lược dịch từ Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều