+
Aa
-
like
comment

Rau bẩn biến hình: Cứ đóng vai “bị hại” rồi xin lỗi là xong?

Công Luân - 23/09/2022 16:20

WinMart, Tiki NGON, 3 Sạch và Bách Hóa Xanh đều lên tiếng rằng họ bị nhà phân phối giả nhãn hiệu VietGAP. Tất cả các chuỗi cung ứng này đều thanh minh họ “bị hại” và không hề biết bị đối tác “lừa”. Vậy là xong, còn khách hàng bị lừa dối ra sao thì mặc kệ?

Xe Bách Hóa Xanh tới nhận nấm từ Đông A (ảnh lớn), nhiều loại nấm, rau cải, cà rốt… xuất xứ Trung Quốc bị xé bao bì đổi tên “tung” ra thị trường.

Tiêu chuẩn VietGAP (thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) với 70 tiêu chuẩn nhằm cho ra những sản phẩm an toàn do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Để lấy chứng nhận này tưởng khó nhưng thực tế lại “dễ như mua rau”. Theo thông tin được phản ánh, chỉ cần có giấy phép kinh doanh và 25 triệu đồng là mặt hàng có thể chễm trệ trên quầy siêu thị với cái mác VietGAP.

Nhiều người dân vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và thấy sản phẩm có chứng nhận VietGAP sẽ tin tưởng và mua. Việc mua bán lòng tin bằng các chứng chỉ không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp làm ăn bài bản. Chính vì vậy, phải ngăn chặn việc các đơn vị phát hành chứng chỉ VietGAP và các chứng chỉ khác liên quan đến an toàn thực phẩm tổ chức bán chứng chỉ.

Vấn đề này đã được chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan thẳng thắn thừa nhận: “Không ai vô can trong việc này. Bộ NN&PTNT không vô can, tôi cũng không vô can”. Câu chuyện trách nhiệm đối những đơn vị chủ quản công nhận VietGAP chắc chắn sẽ được quản lý sát hơn theo tinh thần từ Bộ trưởng. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn đau đáu câu hỏi, vậy cuối cùng trách nhiệm của các nhà bán lẻ ở đâu?

5 năm trước, cuộc chiến thực phẩm bẩn thực sự tưng bừng. Hàng nghìn, hàng trăm người lên tiếng. Từ dân thường đến quan chức cũng phẫn nộ khi đồng bào tự đầu độc nhau bằng lượng thuốc bảo vệ thực vật đầy rẫy trong rau củ. Người ta ví von, chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần đến như vậy.

Giữa cuộc khủng hoảng niềm tin với thực phẩm thì những nhà bán lẻ xuất hiện. Từ Winmart, Bách hoá xanh sau đó đến các sàn thương mại điện tử cũng tham gia vào “sân chơi” thực phẩm. Người dân đô thị như được truyền chút cảm hứng về niềm tin được ăn sạch. Thậm chí, các vùng nông thôn cũng đã xuất hiện hàng loạt cửa hàng kinh doanh thực phẩm.

Người dân tin dùng, niềm tin mãnh liệt. Ngoài tiện ích thì tất cả cũng còn là từ nguồn gốc của thực phẩm. Để rồi hôm nay, niềm tin bị lừa dối. Một đòn chí mạng đánh vào người tiêu dùng với những cái lắc đầu “không biết”. Vậy cuối cùng trách nhiệm các nhà bán lẻ ở đâu?

Trong khi đó, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, hành vi che giấu thông tin sản phẩm nhằm thu lợi bất chính có dấu hiệu của tội Lừa dối khách hàng. Có lẽ, đã đến lúc cần một động thái răn đe đúng mực để bảo vệ sức khỏe của toàn dân.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều