+
Aa
-
like
comment

Rao bán nợ ngân hàng biến tướng!

Công Luân - 04/03/2023 21:10

Một số ngân hàng gần đây rao bán nhiều khoản nợ lạ lùng, như khoản nợ gốc 8 triệu đồng được rao giá 3,6 tỷ đồng, khoản nợ vay tiêu dùng chỉ hơn 13.000 đồng, khoản nợ không có tài sản đảm bảo hay khoản nợ được thế chấp bằng đàn gà để thu hồi nợ. Câu chuyện này khiến dư luận xôn xao, bởi hệ lụy của nó không hề nhỏ.

Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội bắt giữ các đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sàn – một trong những biến tướng của mua bán nợ.

Agribank rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia, với tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng. Trong đó, số nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại là nợ lãi phát sinh. Người trúng đấu giá phải tiếp tục trả tiền lãi phát sinh kể từ sau ngày 12/9/2022, cho đến khi Khang Gia thanh toán hết khoản nợ gốc 8 triệu đồng, tất nhiên là ngân hàng không đảm bảo về tính rủi ro.

Quyết tâm thực hiện một phi vụ chưa có tiền lệ, VietinBank tiếp tục rao bán khoản nợ gộp hơn 900 tỷ đồng của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Theo đó, tài sản đảm bảo của các công ty này, bao gồm cả đàn gà 3 thế hệ (gà ông bà, bố mẹ, gà con) và trứng gà được mang ra bán đấu giá. Đây có lẽ là lần đầu tiên, tài sản “động sản” được một ngân hàng mang ra bán đấu giá để thu hồi nợ xấu.

Áp lực từ cuộc đua lợi nhuận và chất lượng tài sản thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh bán tài sản để xử lý nợ xấu. Tất nhiên, việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không diễn ra được thuận lợi do tình hình kinh tế một số lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế phục hồi không đồng đều. Bên cạnh đó, một số những lĩnh vực như chứng khoán hay bất động sản trồi sụt tương đối nhanh, kéo theo tiềm ẩn nợ xấu ngân hàng đã và đang bị tăng lên.

Trong bối cảnh đó, dù đã ra đời hơn 1 năm (15/10/2021), nhưng sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động vẫn kém hiệu quả. Thị trường mua bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Khi còn chờ hoàn thiện bộ khung pháp lý thì đã xuất hiện những thực trạng đáng báo động từ việc mua bán nợ này.

Luật Đầu tư 2020 chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã đưa ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Những tưởng sau khi khai tử loại hình kinh doanh này thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Nhưng thực tế thời gian qua, những hành vi đòi nợ bất chấp pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều địa phương, duy chỉ khác một điều, các đối tượng đến đòi nợ được núp bóng dưới danh nghĩa là nhân sự của công ty dịch vụ mua bán nợ.

Những đường dây đòi nợ giang hồ núp bóng công ty mua bán nợ mọc lên như nấm

Theo đó, thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng loạt các vụ án liên quan đến hành vi khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng của một số đối tượng hoạt động dưới hình thức công ty mua bán nợ. Thủ đoạn của các công ty này là mua tên miền trang web, lập trang các tài khoản trên mạng xã hội để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi. Sau đó dùng mọi thủ đoạn để đòi tiền con nợ, khiến rất nhiều gia đình lao đao, gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự xã hội, thách thức nghiêm trọng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Chính vì vậy, ngay sau khi xuất hiện những thông tin mua bán bất thường từ các ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra. Đây là một hành động rất kịp thời nhằm ngăn chặn những kẻ vì tiền mà dẫm đạp lên pháp luật. Chỉ nhận ủy quyền đòi nợ như đường dây Pháp Việt vừa bị bắt thôi đã thấy chúng hung hăng và manh động cỡ nào. Nếu như trở thành chủ nợ thì không thể thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra!

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều