Quyền lực có đổi lấy được sự kính phục và lòng yêu thương của nhân dân?
Cánh bay huyền thoại của Không quân Việt Nam, người từng bắn rơi 7 máy bay của Mỹ và được đích thân Bác Hồ chỉ thị không cho bay nữa vì sợ mất nhân tài, phi công Nguyễn Văn Bảy đã trở về với đất mẹ trong vòng tay yêu thương của đồng chí, đồng đội và nhân dân khắp mọi nơi. Nhiều người hỏi vì sao tin tức người anh hùng này ra đi lại trở thành hiệu ứng xã hội mãnh mẽ như vậy? Có hẳn những bài viết so sánh với các vị Bộ trưởng, tướng to, tướng nhỏ, chức sắc danh vị đầy mình.
Khi một anh hùng bước ra từ chiến tranh, trên vai lừng lẫy chiến công như ông Nguyễn Văn Bảy thì tất nhiên sẽ nhận được chế độ đãi ngộ đầy đủ, thậm chí là rất tốt nữa. Trước khi nghỉ hưu, ông Bảy mang hàm đại tá, giữ chức Tham mưu phó Không quân nhưng ông lại thích trở về quê hương Đồng Tháp làm ruộng như nông dân thực thụ, như thể nó đã là một phần máu thịt. Có kẻ suy nghĩ nông cạn bày tỏ sự nghi ngờ chiến công của anh hùng Nguyễn Văn Bảy và đặt câu hỏi sao về hưu không được phong hàm Đại tướng, không được ở nhà to. Xin mạn phép nói thẳng, làm anh hùng cống hiến vì nền độc lập, bình yên của nước nhà chứ đâu vì ba cái chức vị đó. Tướng hay tá không quan trọng bằng lòng dân tin yêu và quý trọng. Làm Tướng mà bị dân hắt hủi, chửi trên đầu trên cổ, cuối đời về hưu bị dân xa lánh còn xấu mặt hơn.
Như anh hùng Nguyễn Văn Bảy, chẳng cần chức vị gì cao to, người dân vẫn yêu quý chính còn ở cách sống giản dị, tính cách can trường trong thời chiến nhưng hiền lành, vui vẻ đậm chất của một người con Nam Bộ trong thời bình. Ông từng là chiến binh dũng cảm, xuất sắc, máy báy bị bắn 100 phát đạn cũng không nhảy dù, kiên cường lái về nơi tập kết nhưng cũng là người nông dân chất phác, thật thà, không ham vinh hoa phú quý, khi đất nước cần thì xung phong ra trận, hòa bình rồi lại về với làng xóm, đồng ruộng và nhân dân. Phi công Nguyễn Văn Bảy chính là hiện thân trong bài thơ “Việt Nam quê hương ta” của tác giả Nguyễn Đình Thi, những câu từ mà có lẽ rất nhiều vị tướng, tá, lãnh đạo Bộ Ban ngành như ông Nguyễn Văn Hiến, Đinh Ngọc Hệ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Bùi Văn Thành, Phan Văn Vĩnh… chưa bao giờ hiểu:
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Đâu phải ngẫu nhiên mà các đồng chí, đồng đội của ông Nguyễn Văn Bảy là anh hùng LLVT Trần Hồng Sơn, Phạm Phù Thái, Nguyễn Văn Tàu (Tư Càng) khi nhớ về ông, họ có thể kể ra rất nhiều câu chuyện xúc động. Ông Tư Càng khẳng định “Không ai được như em, kẻ thù bên kia đại dương còn khâm phục và thương mến. Nay em đã ở trên mây để bay về trời, nơi trước kia em luồn trong mây để bắn máy bay”. Đúng vậy, cách ông Nguyễn Văn Bảy sống không chỉ khiến đồng chí, đồng đội, nhân dân Việt Nam yêu quý mà còn khiến những người từng là kẻ thù của ông cũng phải nể phục. Từ khi biết tin ông ngã bênh, đã có rất nhiều lá thư của các cựu phi công Mỹ hỏi thăm sức khỏe và động viên mau chóng hồi phục. Tình cảm đó đâu phải vị tướng hay lãnh đạo nào cũng có được?
Có lẽ vì thương tiếc một huyền thoại của bầu trời xanh đã ra đi, một nhân tài của Không quân Việt Nam và nhìn lại thời gian qua, có nhiều quan tham tướng xấu lạm dụng quyền lực, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách , ăn tàn phá hại trên chính bát cơm của người dân bị lôi ra ánh sáng nên một số người mới so sánh trong sự thất vọng, tiếc nuối. Ngẫm lại câu nói của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, nhà cửa có thiếu thốn gì đâu, mà sao tham thế?”. Suy cho cùng, cuộc đời mỗi người đâu chỉ cần nhà cửa, ô tô thôi đâu, còn cần nhiều thứ khác nữa chứ. Danh tiếng, sự kính trọng của đồng nghiệp, của con cái, bạn bè và sự tự hào của chính bản thân khi cống hiến cho đất nước, dù là những thứ rất nhỏ. Vậy mà nhiều ông vẫn cứ cậy quyền tham cho bằng được để rồi bị bắt lúc cuối đời, khiến mọi cố gắng trong cuộc sống từ khi công tác tan thành bong bóng hết. Thử hỏi ông Nguyễn Bắc Son nhận vài triệu USD, ông Đinh La Thăng đứng đầu một Tập đoàn cả tỷ USD,… đến khi bị bắt, thử hỏi, các ông còn lại những gì, liệu còn hạnh phúc khi hưởng thụ những của cải tham ô, tham nhũng không hay đến khi ra tù chết già mà người dân cũng quay lưng.
Chính vì không muốn nhìn thấy cái bệnh cậy quyền lực, chạy chức chạy quyền để lạm dụng quyền lực gây hại lây lan trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương khiến nhân dân mất niềm tin như thời gian qua, đồng thời muốn tẩy trừ căn bệnh xấu xí, nguy hiểm này nên vừa qua Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Từ trước đến nay, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “trống đã đánh phải đánh liên hồi” khi nói về cuộc chiến chống tham nhũng, chống quan liêu, chống suy thoái hiện nay. Quyền lực phải được kiểm soát và giám sát thì khi đó mỗi cán bộ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành mới có động lực thúc ép mình thường xuyên tu dưỡng đạo đức để tâm thêm sáng, hành động đúng và chiếm được tình cảm của nhân dân.
Nhà văn Nikolai A.Ostrovsky đã viết trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy!” rằng: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình”. Tại sao Bác Hồ đã mất 50 năm mà đến ngày giỗ, hàng triệu người bày tỏ niềm tiếc thương, hàng chục nghìn người đến thăm viếng, tại sao cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ra đi cả dân tộc thương xót, hàng năm có hàng chục nghìn người đến viếng mộ, tại sao anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy ra đi, nhân dân thương tiếc? Chỉ bởi vì họ là những người đã sống và cống hiến hết mình, vì dân, vì nước, không phải lợi dụng chức quyền để mưu cầu cho lợi ích của cá nhân.
Đặng Trường