+
Aa
-
like
comment

Quyền của Việt Nam – thành viên Công ước LHQ về Luật Biển

31/07/2019 06:40

Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó VN được hưởng quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là gần 1 triệu km2.

Năm nay đánh dấu 25 năm ngày Công ước chính thức có hiệu lực, đồng thời đánh dấu 25 năm Việt Nam phê chuẩn và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn Công ước tới Ban Thư ký LHQ (27/7/1994 27/7/2019).

Quyền của Việt Nam thành viên Công ước LHQ về Luật Biển
Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký UNCLOS ngay sau khi văn kiện này được mở ký

Là quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3.260km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước.

Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký UNCLOS tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong các nước phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.

Ngày 23/6/1994, Quốc hội ra nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở quy định của Công ước và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Đồng thời, nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Là thành viên Công ước, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Quyền của Việt Nam thành viên Công ước LHQ về Luật Biển

Phù hợp với các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng. Cụ thể, Việt Nam đã ký với Thái Lan hiệp định về phân định biển ngày 9/8/1997; ký với Trung Quốc hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ và hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003.

Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” được đưa vào “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam Trung Quốc” ký ngày 10/11/2011.

Quyền của Việt Nam thành viên Công ước LHQ về Luật Biển
Ảnh: Petrotimes

Hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế 

Căn cứ các quy định của Công ước, Việt Nam đã và đang tiến hành có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.

Ngày 22/10/2018, Ban chấp hành TƯ Đảng ban hành nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.

Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ vận tải.

Đây là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của UNCLOS, cũng là thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

(Theo Vietnamnet)

Bài mới
Đọc nhiều