+
Aa
-
like
comment

Quy mô xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 22 trên thế giới

23/06/2020 22:33

Đây là nội dung thông tin trong “Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 – Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” do Trường Đại học Thương mại đã công bố ngày 3/6/2020, tại Hà Nội.

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 – Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” là một sản phẩm khoa học thực hiện với quan điểm độc lập về các vấn đề kinh tế, thương mại trên thế giới và Việt Nam, có giá trị tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế – thương mại ở Việt Nam.

Bằng các chủ trương, chính sách, quyết sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả được đưa ra, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam phát triển đạt những kết quả ấn tượng. Các biến số của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 được đánh giá rất cao. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc nhóm tăng trưởng hàng đầu khu vực và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, hiệu quả đầu tư được cải thiện, năng suất lao động tăng 6,2%, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%; lạm phát kiểm soát thấp dưới 4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018 và là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu (năm 2019 xuất siêu 9,9 tỷ USD); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF…

Kết quả nêu trên đã đưa Việt Nam vào TOP 30 quốc gia có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt nhất trên thế giới. Riêng về xuất khẩu, Việt Nam trở thành nền kinh tế có qui mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên ở nửa trên của bảng xếp hạng về kinh tế thế giới với vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Đinh Bá Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, diễn biến tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới năm 2019 có rất nhiều biến động phức tạp đã tác động đến kinh nền tế thế giới cũng như Việt Nam. Chủ nghĩa bảo hộ cũng như việc sử dụng các rào cản phi thuế, các biện pháp phòng vệ thương mại… trong hoạt động thương mại toàn cầu có xu hướng gia tăng. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc không chỉ khiến 2 nền kinh tế này bị ảnh hưởng, mà còn tác động khiến tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch toàn cầu năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ qua từ mức 3,9% năm 2018 giảm còn 0,3% năm 2019.

Khi sử dụng các công cụ thuế quan, hàng rào kỹ thuật… không mang lại hiệu quả như mong đợi, các quốc gia còn có xu hướng sử dụng cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá hối đoái, lãi suất, dự trữ ngoại hối… để tác động trực tiếp đến dòng hàng hóa thương mại lưu thông.

Phá giá đồng nội tệ có thể góp phần hỗ trợ cho xuất khẩu, giành lại lợi thế về sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nhưng nó cũng gây ra những hệ lụy tiêu cực ngược khiến chỉ số chứng khoán sụt giảm, dòng vốn đầu tư có xu hướng chạy ra, nợ bằng đồng ngoại tệ (USD…) tăng lên…

Đặc biệt, khi nhiều nước phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu, có thể dẫn đến một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền, hay nói cách khác là “cuộc chiến” về tiền tệ sẽ diễn ra. Những điều này sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu cũng như tác động đến Việt Nam, khi mà mức độ hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới ngày càng sâu, rộng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới (200%).

Từ những lý do nêu trên, bản báo cáo đã tập trung phân tích, đánh giá các xu hướng nổi bật về tăng trưởng, thương mại và đầu tư, tài chính và tiền tệ trên thế giới; phân tích, đánh giá các biến số kinh tế vĩ mô của Việt Nam như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, thị trường lao động, chính sách tài khóa – tiền tệ, các vấn đề về hội nhập thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu… đặt trong chuỗi thời gian và bối cảnh chung của khu vực và thế giới. Đồng thời, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2020, khuyến nghị các chính sách có thể áp dụng cho năm 2020 và tiếp theo.

Phó Giáo sư Hà Văn Sự – Trưởng Khoa Kinh tế – Luật, Đại học Thương mại – Trưởng Nhóm nghiên cứu cho biết: “Báo cáo có giá trị và tính chuyên môn cao, lựa chọn các vấn đề nóng có tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam nghiên cứu, phân tích, đánh giá và khuyến nghị giải pháp. Đây là tài liệu, nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách nhận định, đánh giá chính xác hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh… phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch.

“Trước đây, nền kinh tế Việt Nam cạnh tranh phát triển chủ yếu dựa vào các lợi thế so sánh tĩnh (lao động và tài nguyên thiên nhiên), cơ cấu xuất khẩu chủ yếu dựa vào thị trường Châu Á, hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Các kết quả nghiên cứu tại báo cáo đã chỉ ra có sự so sánh và đặt trong chuỗi thời gian cùng bối cảnh chung của khu vực và trên thế giới, kết hợp với cơ sở thực tiễn sẽ là các luận cứ khoa học quan trọng, hữu ích cho việc xây dựng, hoạch định các chính sách, chính lược, kế hoạch cho các cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thương” – Phó Giáo sư Hà Văn Sự chia sẻ.

Ngọc Quỳnh/ BCT

Bài mới
Đọc nhiều