Quy chuẩn để trả lại đúng vị trí người nghệ sĩ
Ngày 13/12/2021, Bộ VHTT&DL vừa ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”. Mục tiêu góp phần khẳng định vai trò trách nhiệm người nghệ sĩ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong công cuộc xây dựng xã hội văn minh, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, những câu chuyện buồn trong giới nghệ sĩ vẫn song hành diễn ra, đây là một thực tế đáng lo ngại.
Nghệ sỹ và câu chuyện ngộ nhận danh xưng
Một ông bầu trong giới chân dài tự cho mình là “nghệ sĩ”. Một cựu người mẫu tự cho mình là “nghệ sĩ”, thay vì làm sạch hình ảnh thì lại làm mình “nổi bật” với danh xứng “thánh chửi”. Chưa kể, một số bạn trẻ mới bước chân vào làm nghệ thuật nhưng cũng tự xưng mình là “nghệ sĩ” nhưng cư xử chẳng ra làm sao. Đó là chàng dancer đã liên tục “thả thính” cô gái trong chương trình hẹn hò. Chàng trai nói những lời có cánh và khẳng định rằng “anh không giỏi gì cả, chỉ giỏi tính chuyện của đôi ta” làm khán giả rất phấn khích, nhưng đến phút cuối thì chỉ mình cô gái bấm nút hẹn hò trong bẽ bàng. Điều đáng nói ở đây là chàng trai ấy tự xưng “anh là nghệ sĩ”.
Danh xưng “nghệ sĩ” là thành quả của người lao động nghệ thuật, việc loạn danh xưng đã bị lên án khá nhiều trong thời điểm hiện nay. Tình trạng đó vẫn hiển nhiên tồn tại. Vì vậy, quy chuẩn nghệ sĩ trong lúc này là điều rất cần thiết. Để rồi, chúng ta trả lại vị trí đích thực và cao quý thiêng liêng cho những người nghệ sĩ chân chính trong lòng công chúng.
Hầu hết, những người nghệ sĩ luôn được ngưỡng mộ và yêu quý. Cùng với đó là những điều kiện rất khắt khe ở hai góc độ tài năng và đạo đức. Xã hội quy chuẩn họ như những hình mẫu lý tưởng: Người nghệ sĩ phải có cá tính sáng tạo độc đáo, khả năng thăng hoa cùng cái đẹp, sáng tạo và cống hiến trong mọi hoàn cảnh, biểu tượng của nhân cách thanh cao. Trong thời điểm hiện tại, quan điểm của ca sĩ Hoàng Bách và người mẫu Hà Anh cũng rất được mọi người đồng tình: “Nhiệm vụ của nghệ sĩ là làm giàu cho văn hóa tinh thần cho mọi người và cuộc sống, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”; “Nhiều người làm nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng chưa chắc đã là nghệ sĩ. Người ta gọi là Entertainer (làm ngành giải trí, nghề giải trí), còn nghệ sỹ không hẳn là một nghề. Vì thế, chúng ta nên thay đổi quan niệm về hai chữ ‘nghệ sỹ’ cho đúng với thực tế”.
Nếu là nghệ sĩ của nhân dân thì đạo đức chuẩn mực là trên hết!
Vào khoảng giữa năm 2021, Trung Quốc có thông báo: “Từ giờ sẽ không còn chỗ cho hành động sai trái của các nghệ sĩ. Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn, trước hết, bạn phải tuân thủ pháp luật và sống có đạo đức. Nếu không, chỉ cần một hành vi vi phạm, con đường nghệ thuật của bạn coi như đã tận”.
Có thể thấy, ở quốc gia nào, thời điểm nào vấn đề về người nghệ sĩ vẫn rất được quan tâm. Vì nghệ sĩ rất có sức ảnh hưởng đến giới trẻ – thế hệ vàng của đất nước. Hơn nữa, người nghệ sĩ tạo ra nó cũng là biểu tượng của một nền văn minh dân tộc. Ở một vị thế quan trọng đó, người nghệ sĩ nên là tấm gương sáng đẹp để xã hội luôn hướng tới điều chân thiện mỹ.
Bộ quy tắc ứng xử được ban hành được xã hội kỳ vọng sẽ trở thành “khuôn vàng thước ngọc” để quy chuẩn nghệ sĩ. Tuy nhiên, những điều ngược lại đã luôn xảy ra làm cho tất cả chúng ta thất vọng.
Đầu tháng 8/2022, NSND Trung Đức vừa có phát ngôn gây tranh cãi: “Nhiều cô chỉ xin tôi một đứa con”. Sau khi nhận những ý kiến trái chiều, nghệ sĩ Trung Đức thẳng thừng nói: “Tôi không sợ vì đó là sự thật. Bây giờ nói xấu nhau làm gì, có giỏi thì ra sân khấu mà hát đi”. “Nhiều cô” được xem là cuồng si đến nổi xin con và bị khước từ ấy, liệu có thấy chua chát khi được kể ra như một chiến tích chứng minh cho sự hấp dẫn, đào hoa và “tôi sống rất tử tế” của nghệ sĩ? Chuyện gì cũng nói ra không hẳn là thẳng thắn, tôn trọng sự thật mà đó là biểu hiện của thiếu lòng trắc ẩn. Có thể nhiều người không lên sân khấu hát hay như nghệ sĩ, nhưng họ không dùng chính nỗi đau của người yêu thương mình để tự hào hay đánh bóng tên tuổi. Con người thường ngộ nhận về việc hơn nhau ở cái tài, nhưng rõ ràng cần nhất vẫn là cái tâm.
Người Việt chúng ta trân trọng tấm lòng, tất cả những gì thuộc về tấm lòng đều là tối thượng. Việc rêu rao sự cuồng si của người phụ nữ để chứng minh lời chối từ của mình là sự tử tế thì thế hệ cháu con sẽ học gì từ cách ứng xử này. Là nghệ sĩ nhân dân, thiết nghĩ cũng nên hiểu điều nhân dân mong muốn ở mình là gì. Để rồi nghệ sĩ 70 tuổi ấy cần có những phát ngôn chuẩn mực, tuyệt đối không thể xem nhẹ ảnh hưởng từ lời nói của mình đến người trẻ hôm nay.
“Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ” có nhắc đến trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ uy tín đồng nghiệp trước công chúng, khán giả. Đây là một trong những nội dung trọng tâm và đầy nhân văn. Trong nội bộ những người nghệ sĩ với nhau, đó chính là cái tình cái nghĩa. Tuy vậy, một số nghệ sĩ đã hiểu sai điều này theo kiểu bênh vực cả những điều xấu xa tệ hại, vi phạm đạo đức và pháp luật. Tháng 6/2022 liên quan đến việc diễn viên Hữu Tín bị bắt vì sử dụng ma túy, NSND Việt Anh tỏ ra xót xa: “Chắc bị ai tị hiềm chỉ điểm. Ở nhà mà sao công an biết vô bắt? Bạn với bè”. Tháng 7/2022, cùng lên tiếng trước sự việc nghi vấn 2 nghệ sĩ Việt bị tố cưỡng dâm, NSƯT Kim Oanh phát biểu “hùm báo sa cơ không chờ chó mèo phán xử”, diễn viên Cát Phượng chúc mừng “đàn ông thì ai mà không thích ăn hải sản”, NSUT Kiều Thanh cho rằng như thế mới là “văn hóa đàn ông”. Những “tấm lòng” dành cho đồng nghiệp của các nghệ sĩ nói trên cho thấy sự nhận thức lệch lạc của họ về đạo đức, lẽ phải và luật pháp. Là nghệ sĩ của nhân dân nếu không đặt chuẩn mực đạo đức lên tất cả thì chính họ đã tự dẫm đạp lên danh hiệu cao quý của mình. Từ tầm ảnh hưởng hình ảnh của mình đối với cộng đồng xã hội họ đã làm phương hại đến nhiều mặt thuộc văn hóa tư tưởng của công chúng khán giả nói chung.
Từ những sự việc trên, bộ phận người nghệ sĩ chân chính ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do tư duy “vơ đũa cả nắm” của không ít người Việt. Đã đến lúc cần phải có cái nhìn thấu đáo, những hành động cụ thể để quy chuẩn nghệ sĩ, trả lại cho họ một vị trí xứng đáng và thiêng liêng như danh xưng cao quý ấy. Trên hết, vì vai trò quan trọng của họ trong phát triển văn hóa tinh thần cả một dân tộc và toàn thế giới, Nói như nhà văn Marcel Proust: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.
Hạnh Phúc