Quốc hội của nhân dân Việt Nam, hà cớ gì các “nhà bình loạn” cố tình chống phá?
Những ngày qua, các tổ chức chống phá như Việt Tân, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ… cùng với đó trang mạng nước ngoài có quan điểm phiến diện, thù hằn, hậm hực với Việt Nam như BBC News tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA,.. đã liên tục tung ra các bài viết sai trái về tình hình Việt Nam để hướng lái, kích động chống đối. Gần đây, các tổ chức này đã tung ra nhiều bài viết, thông tin, hình ảnh, bình luận với nội dung cắt ghép, thiếu khách quan, phi thực tế về công tác bầu cử tại Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến các bài viết như: “Quốc hội “của dân” nhưng đại đa số đại biểu là đảng viên Cộng sản”, “Kết quả bầu cử với những con số cao ngất ngưởng có ý nghĩa gì?”, “Nghịch lý ở Việt Nam: cử tri đi bầu chỉ để cho xong?”
Ở những bài viết được rêu rao, các đối tượng cài cắm, lồng ghép các nội dung sai trái, phi lý, vô căn cứ và vô cùng độc hại về công tác bầu cử và kết quả như: “Hiện nay, Đảng cộng sản không cho phép bất cứ một đảng phái chính trị nào ngoài họ được hoạt động và đại biểu độc lập hầu như không tồn tại”, “thực ra con số người tự ứng cử và người trúng cử không nói lên được điều gì đâu. Bởi vì dù sao thì cũng có sự sắp xếp từ trước đó rồi”, “buổi bỏ phiếu thì công khai nhưng việc kiểm phiếu thì họ làm âm thầm với nhau, chả ai biết”…
Chống phá bầu cử là thủ đoạn thâm độc, được các thế lực thù địch, các đối tượng phá hoại, chống đối, cơ hội chính trị thực hiện một cách có kế hoạch, có sự chuẩn bị từ trước. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, các đối tượng này đã thực hiện các chiêu trò như tự ứng cử đại biểu Quốc hội, kêu gọi đòi tẩy chay bầu cử… Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, khi mà các chiêu trò tự ứng cử và đòi tẩy chay bầu cử bất thành, các đối tượng này lại tiếp tục cắn nhá, chống phá kết quả bầu cử và công tác tổ chức bầu cử tại Việt Nam. Mục đích của những kẻ này là tô vẽ, tạo ra một bức tranh bầu cử đầy u ám, thiếu dân chủ hòng kích động người dân không tin vào kết quả bầu cử.
Cần phải nói rõ, cuộc bầu cử ở Việt Nam được tổ chức hoàn toàn khách quan, dân chủ, thực hiện đúng các nguyên tắc trong bầu cử là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Kết quả bầu cử phản ánh chân thực, chính xác ý chí, nguyện vọng và mong muốn của quần chúng nhân dân. Thực tế, luận điệu về cái gọi là “kết quả bầu cử đã được sắp xếp từ trước” chỉ là sự xạo ngôn của những kẻ hồ đồ nhưng đầy mưu mô chống phá. Trong kỳ bầu cử vừa qua, 6 ứng cử viên (trong tổng số 13 người) được Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại TP Hồ Chí Minh đã không trúng cử. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy không hề có sự “sắp đặt” từ trước vì nếu được sắp đặt thì chắc chắn tất cả các đại biểu do Trung ương giới thiệu đã trúng cử.
Đối với câu hỏi “Kết quả bầu cử với những con số cao ngất ngưởng có ý nghĩa gì?” được các đối tượng đưa ra. Xin trả lời rõ, việc người dân đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao chứng tỏ niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, với sự nghiệp các mạng hiện nay mà Việt Nam đang đi là vô cùng lớn. Và cùng nói thẳng, tỷ lệ đi bầu cử cao chính là một cú tát thẳng mặt cho những kẻ hằng ngày, hằng giờ vẫn cố đưa ra những mưu mô chống phá đất nước. Vậy nhưng người dân hoàn toàn tỉnh táo, biết rõ điều gì tốt cho đất nước và chắc chắn sẽ không vì một số lời nói vô căn cứ của các “mõ làng dân chủ” mà tự lấy đá đập vào chân mình.
Việt Nam là quốc gia do một ảng lãnh đạo, đây là nội dung đã được Hiến định. Vì vậy, số lượng đảng viên trong Quốc hội chiếm tỷ lệ cao cũng là điều vô cùng dễ hiểu. Đồng thời, việc đảng viên tham gia vào các cơ quan Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng cũng là một phương thức để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Suy cho cùng, cái đích mà các đối tượng hướng đến vẫn là làm suy giảm lòng tin của người dân, gieo rắc những nhận thức lầm tưởng về cái gọi là “đa nguyên, đa đảng” để từ đó chống phá đất nước, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác, thận trọng, kịp thời nhận diện, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.