+
Aa
-
like
comment

Quá khứ khép lại nhưng con đường đi đến hòa bình thì không thể quên

Ái Dân - 27/07/2022 12:10

Ai cũng có một mong ước, một sở thích của riêng mình. Người chọn đi du lịch, người thì đi bơi, đi dạo biển, với tôi được tìm kiếm đồng đội, tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ là niềm vui lớn nhất đời mình”, trong niềm vui, lẽ sống mà vẫn nặng gánh những trăn trở, khắc khoải khôn nguôi trong chặng đường tìm kiếm đồng đội mình vẫn đang nằm lại đơn độc ở đâu đó của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy.

Sau hơn 50 năm mong ngóng, mẹ Tân cũng đã tìm thấy hài cốt của người con trai đầu hy sinh trong chiến tranh trở về. Giây phút ôm hài cốt con, người mẹ ấy đã khóc nức nở.

Phải nói rằng, trong lịch sử, không đất nước nào phải đối mặt, phải chiến đấu khốc liệt và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược với thời gian, mật độ, mức độ như Việt Nam. Trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến, khoảng 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng nằm lại lạnh lẽo nơi sa trường, cùng với đó là nỗi đau trường kỳ của hàng trăm nghìn gia đình.

Số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, 10 năm qua (từ 2011-2021) đã có hơn 41.000 mẫu ADN được tiếp nhận, với gần 1.400 hài cốt được xác định danh tính. Nhưng hiện vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, thi thể họ còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Biển Đông, và trên 300.000 liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng vẫn chưa thể xác định được danh tính.

Đất nước đã hòa bình gần 50 năm, nhưng vẫn còn đó biết bao gia đình đang trông ngóng người con, người cha trở về, dù chỉ là nắm tro cốt. Như câu chuyện về niềm hạnh phúc của mẹ VNAH Hoàng Thị Lự (110 tuổi, ở Nghệ An) khi tìm được hài cốt của người con đầu sau 51 năm hy sinh. Và cả nỗi đau, trăn trở khắc khoải khi “…mẹ đã ra đi khi không còn chờ tìm được phần mộ, hài cốt của người con thứ 2. Mẹ mang theo cả câu hỏi chưa có câu trả lời về đất mẹ mà ám ảnh tất cả chúng ta”. Sự ám ảnh đó không chỉ với bất cứ ai đi qua chiến tranh, mà với bất cứ gia đình nào có người thân hi sinh những vẫn chưa tìm thấy hài cốt, của hàng triệu người dân và của chính những người thực hiện chính sách với người có công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động về niềm hạnh phúc của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương – Nghệ An khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh.

Vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, còn những liệt sĩ vô danh là còn đó một nỗi đau, sẽ kéo dài nhiều năm nữa và đặt lên các thế hệ kế tiếp những ám ảnh về một thời chiến tranh đã qua. Vậy người còn sống còn có thể làm gì với những người đã nằm xuống vì đất nước. Ngoài chính sách chung, đã được duy trì khá tốt hàng chục năm qua, đã đến lúc nước nhà không thể chậm hơn nữa việc hình thành “Ngân hàng ADN liệt sĩ chưa xác định được danh tính”. Vì chiến tranh đã lùi xa, càng để lâu, xương thịt các liệt sĩ càng hòa sâu vào cát bụi, việc xác định sẽ càng khó khăn hơn. Chưa kể, những người thân ruột thịt của các liệt sĩ cũng đi xa dần.

Quá khứ khép lại nhưng con đường đi đến hòa bình thì không thể quên. Dư âm của chiến tranh khốc liệt vẫn còn đó, nỗi đau nhức nhối của những người lính thương bệnh binh, những em bé nhiễm chất độc da cam, bao cảnh vợ mất chồng, mẹ mất con, nước mắt mẹ can khô vì những người con của mình lần lượt ra đi không trở về. Khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam những nghĩa trang sừng sững minh chứng của cuộc chiến tranh tàn khốc. Không thể kể hết những mất mát đau thương mà cuộc chiến tranh đã để lại, chúng ta không được phép lãng quên.

Chặng đường dài bắt đầu từ những bước chân, biết rằng sẽ có không ít những khó khăn, vất vả nhưng tin rằng, trong số vài trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, nếu cả hệ thống chính trị có quyết tâm cùng với trách nhiệm trước người hy sinh vì Tổ quốc thì không gì là không thể.

Ái Dân

Xem thêm: Đất nước yên bình rồi: Về thôi bố hỡi! 

Bài mới
Đọc nhiều