+
Aa
-
like
comment

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Năm 2021 dù thách thức, nhưng vẫn có tia sáng của vận hội

01/01/2021 18:07

Ngày đầu tiên của năm mới 2021, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhìn lại 1 năm đầy ấn tượng của đối ngoại Việt Nam.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định năm 2020, đối ngoại Việt Nam đã thể hiện được một bản lĩnh và tâm thế mới /// Ảnh Ngọc Thắng
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định năm 2020, đối ngoại Việt Nam đã thể hiện được một bản lĩnh và tâm thế mới

Tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp mới

Nhìn lại tình hình, Phó thủ tướng nhận định, năm 2020 đã có những biến động to lớn, chưa từng có, với hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực, ở tầm toàn cầu. Những tác động đó có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, gam màu xám nổi lên ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực trong bức tranh toàn cảnh thế giới.

Đại dịch đã gây ra tác động sâu rộng đến tình hình chính trị, xã hội của nhiều quốc gia. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh lạnh.

Các trào lưu chống toàn cầu hóa, dân túy, bảo hộ vốn xuất hiện từ trước lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực.

Bên cạnh dịch bệnh, các thách thức an ninh phi truyền thống khác nổi lên gay gắt, trong đó có vấn đề an ninh nguồn nước, thiên tai, lũ lụt tác động mạnh đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, điểm sáng trong bức tranh thế giới năm qua là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và là khát vọng cháy bỏng của nhân dân thế giới.

Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển kinh tế năng động, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và có tầm ảnh hưởng về chính trị ngày càng gia tăng.

ASEAN củng cố đoàn kết, thích ứng nhanh với nhiều biến động mạnh của tình hình quốc tế, đặc biệt là tác động của đại dịch và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực…

Những biến động phức tạp và đa chiều của tình hình thế giới, khu vực năm 2020 đã và đang tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của nước ta, đặt ra những thách thức, cơ hội đan xen, Phó thủ tướng nhận định.

Việt Nam đã tranh thủ, tạo ra và tận dụng được những cơ hội mới

Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, tranh thủ, tạo ra và tận dụng tốt những cơ hội hợp tác mới, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn và tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển.

6 điểm thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong năm qua đã được Phó thủ tướng chỉ ra.

Thứ nhất, quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố, thúc đẩy.

Năm qua, Việt Nam và New Zealand đã chính thức nâng quan hệ Đối tác Chiến lược, qua đó nâng mạng lưới đối tác chiến lược lên 17 quốc gia, cùng với 13 đối tác toàn diện.

Việt Nam cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với Covid-19. Mô hình chống dịch hiệu quả, cùng với tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong hợp tác quốc tế chống dịch đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Thứ hai, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020 và AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19; linh hoạt tổ chức trực tuyến thành công nhiều hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt; thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện… Trong nhiệm kỳ của Việt Nam, ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở khu vực, được các nước coi trọng.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã thể hiện một hình ảnh trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột…

Việt Nam đã để lại những dấu ấn riêng rất cụ thể, như lần đầu tiên thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc; tổ chức đối thoại ASEAN – Liên Hiệp Quốc. Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua lấy ngày 27.12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với số nước đồng bảo trợ kỷ lục 112 nước.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những tiến triển có tính đột phá. Bên cạnh thực hiện hiệu quả CPTPP, Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn EVFTA, và EVIPA với EU, ký FTA với Anh và RCEP trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Thứ tư, công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực. Việt Nam và Campuchia đã trao đổi văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực.

Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền. Đây là những thành quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Việt Nam cũng đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc khẳng định rõ lập trường của ta; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển.

ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc về Biển Đông trong các văn kiện liên quan của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển.

ASEAN cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Thứ năm, Việt Nam đã triển khai công tác bảo hộ công dân trên phạm vi rộng chưa từng có, tổ chức hơn 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ hơn 59 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn; đồng thời tiếp tục tiến hành công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của ta ở nước ngoài.

Thứ sáu, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại được triển khai tích cực. Trong năm qua, UNESCO đã công nhận công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu; Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp) là thành phố học tập toàn cầu.

Bạn bè quốc tế ngày càng biết đến Việt Nam không chỉ là một quốc gia hòa bình, ổn định, an toàn, nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế mà còn có khả năng tự cường, thích ứng và xử lý hiệu quả các thách thức như đã thể hiện trong thành công chống dịch bệnh.

Thế giới cũng đã bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường, tác động trực tiếp, nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước, Phó thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, trong khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn thấy được tia sáng của vận hội và thuận lợi.

Đó là thế và lực mới của đất nước sau 35 năm Đổi mới; sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng thành, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ đối ngoại. Đây là những tiền đề vững chắc để Việt Nam vững bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tâm thế mới….

Vũ Hân/TNO

Bài mới
Đọc nhiều