Phó Thủ tướng đề xuất TP.HCM nâng áp dụng lên Chỉ thị 16 để chặn Covid-19 lây lan
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM đang lây lan nhanh tại TP.HCM, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình gợi ý thành phố xem xét nâng mức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 để cắt đứt sự lây lan của dịch bệnh Covid-19….
Tại buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về công tác phòng, chống dịch chiều 25/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đề xuất TP.HCM cần xem xét nâng mức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16.
XEM XÉT NÂNG ÁP DỤNG LÊN CHỈ THỊ 16
Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Một số chợ truyền thống, chợ đầu mối không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; mật độ lưu thông, việc người dân mang khẩu trang, khoảng cách… chưa đảm bảo. Cụ thể, chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hóc Môn – Sơn Kỳ – chợ Tân Hương còn diễn biến phức tạp.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có 2.293 ca nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, HCDC ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch bùng phát trở lại, Thành phố đã quyết liệt phong tỏa các khu vực có tình hình lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng dự kiến còn gia tăng, các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh trung bình từ 15-27 ca mỗi ngày.
Theo ông Bỉnh, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của Ủy ban nhân dân TP.HCM. Đồng thời, tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để; xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây; mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng để kiểm soát dịch; sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch; tăng cường giám sát phòng, chống dịch tại nơi sản xuất.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết, hiện có tới 68% bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng, trong khi đó, thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng.
Ông Dũng nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ khiến hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám khó nhận biết, do đó công tác chống dịch đi chậm hơn dịch bệnh.
“Bộ Y tế vừa ban hành văn bản cho thực hiện cách ly F1 tại nhà, TP.HCM có thể xem xét áp dụng”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến nghị Thành phố cần tính toán, có biện pháp quyết liệt đối với hoạt động của các khu chợ đầu mối, các điểm giao thương, các chợ truyền thống, thà hy sinh hoạt động trong một thời gian ngắn còn hơn để những nơi này thành những điểm lây nhiễm; tăng cường kiểm soát các nhà thuốc để nắm thông tin những trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng; củng cố lại hoạt động tại các khu cách ly, chấn chỉ việc thông tin về dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng vừa ban hành văn bản cho thực hiện cách ly F1 tại nhà và cho rằng TP.HCM có thể xem xét áp dụng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu TP.HCM cần có đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh để có giải pháp đúng trong phòng, chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, sau khi áp dụng Chỉ thị 10/2021 của Ủy ban nhân dân TP.HCM từ tuần trước, TP.HCM có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, dịch bệnh trên địa bàn vẫn rất phức tạp nên cần cần xem xét nâng áp dụng lên Chỉ thị 16; xem xét có nên dừng hoạt động của các khu chợ, hoạt động của xe công nghệ… hay không bởi việc có tới 68% số ca nhiễm không có biểu hiện bệnh đòi hỏi không được lơ là, chủ quan.
“Ngoại trừ việc bảo đảm lưu thông hàng hóa, không để ảnh hưởng đến sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, còn lại đối với các hoạt động khác, chúng ta có thể nâng mức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn, triệt để hơn, cắt đứt sự lây lan của dịch bệnh, không để mất kiểm soát”, Phó Thủ tướng Thường trực gợi ý với Thành phố.
Liên quan đến việc tổ chức tiêm chủng những ngày qua, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở Thành phố bảo đảm an toàn tại các điểm tiêm; thực hiện xử lý thật mạnh đối với những cơ sở sản xuất không bảo đảm phòng dịch, dứt khoát không để lây nhiễm tại những nơi này; đặc biệt bảo đảm an toàn, củng cố tinh thần cho lực lượng tuyến đầu, thông tin dịch bệnh cần chính xác, không gây hoang mang cho người dân.
CÓ TIẾP TỤC KÉO DÀI GIÃN CÁCH SAU 30/6?
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết, đợt dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn lần này diễn biến hết sức phức tạp, đến hôm nay (25/6) là ngày thứ 9 liên tiếp Thành phố có số ca nhiễm mới 3 con số. Tuy nhiên, giải thích về con số 667 trường hợp nghi nhiễm, cao nhất từ trước đến nay (từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6), ông Phong cho rằng không nên quá bi quan, bởi có tới 99 trường hợp phát hiện trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong các khu cách ly, chỉ có 14 trường hợp do tầm soát phát hiện tại các bệnh viện và một số trường hợp lây nhiễm do nghề nghiệp, nhập cảnh… Điều này cho thấy Thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, nơi đáng lo ngại nhất đối với TP.HCM là các khu chợ truyền thống, chợ đầu mối, các khu công nghiệp do mức độ tiếp xúc lớn.
Đối với hoạt động của các chợ truyền thống, ông Phong đề nghị các ngành chức năng tính toán, nghiên cứu mô hình Quận 8 đang áp dụng, đó là có thể là tổ chức cho tiểu thương bán luân phiên, có những hộ bán một ngày, nghỉ một ngày.
Riêng chợ đầu mối, ông Phong giao Sở Công thương thảo luận với thành phố Thủ Đức, quận 8 và huyện Hóc Môn tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch tại chợ, trong đó tính điểm cụ thể, nếu tiểu thương nào vi phạm thì tạm dừng kinh doanh.
“Thành phố sẽ kết thúc thời gian giãn cách đợt 2 vào 30/6. Các sở, ngành và quận, huyện phải đánh giá lại việc triển khai giãn cách theo Chỉ thị 10, các giải pháp đã áp dụng và đưa ra những giải pháp mạnh hơn trong 5 ngày tới”.Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Đồng thời, ông Phong cũng yêu cầu các quận, huyện tổ chức ngay các đội, tổ kiểm tra việc phòng, chống dịch, giao trách nhiệm cụ thể; cứ mỗi khoảng 300 hộ dân thì phải tổ chức tổ Covid-19 cộng đồng. Ngoài ra, các sở, ngành chủ động đề xuất chế độ cho những người tham gia phòng, chống Covid-19; tổ chức rút kinh nghiệm công tác tiêm vaccine; công tác thông tin tuyên truyền cần bảo đảm chính xác, tránh xảy ra những trường hợp thông tin không chính xác về dịch bệnh những ngày vừa qua.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề: Mặc dù đã áp dụng những biện pháp mạnh hơn nhưng tại sao tình hình vẫn phức tạp, số ca bệnh vẫn tăng?.
“Hiện chỉ còn 5 ngày nữa, Thành phố sẽ kết thúc thời gian giãn cách đợt 2. Các sở, ngành và quận, huyện phải đánh giá lại việc triển khai giãn cách theo Chỉ thị 10, các giải pháp đã áp dụng và đưa ra những giải pháp mạnh hơn trong 5 ngày tới. Qua đó, làm căn cứ để đến ngày 30/6, Thành phố có thể quyết định có tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách hay không”, ông Phong kết luận.
Minh Tâm