+
Aa
-
like
comment

Phó Chủ tịch Nvidia đến Việt Nam: Chương mới cho ngành bán dẫn đã bắt đầu

Hạnh Văn - 25/04/2024 08:02

Tháng 12/2023, ngành công nghệ Việt Nam chứng kiến một sự kiện hấp dẫn và không kém phần bất ngờ. Lần đầu tiên, Chủ tịch Nvidia Jensen Huang và những lãnh đạo cấp cao đã đến Việt Nam để tìm kiếm khả năng hợp tác của hãng với các doanh nghiệp trong nước.

Chủ tịch Jensen Huang cùng các lãnh đạo Nvidia chụp ảnh cùng đại diện các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tháng 12/2023.

Khi đó, ông Jensen Huang đã đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI và nhấn mạnh cam kết biến Việt Nam trở thành “quê hương” thứ hai với việc sớm thành lập pháp nhân tại đây,

Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ) hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với CEO Nvidia Jensen Huang về xu hướng phát triển AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rộng mở giữa công ty với Việt Nam.

Ba tháng sau, Jensen Huang có mặt tại Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng công nghệ trong nước. Ông đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng cho công nghệ mới và sẽ đầu tư nâng cao năng lực về con người cũng như hạ tầng cho Việt Nam. “Chúng tôi cam kết với Thủ tướng sẽ biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam”, ông Huang nói.

Cũng theo CEO Nvidia, để tận dụng làn sóng AI, các quốc gia cần ba thành phần và “Việt Nam đã có đủ”. Thứ nhất là tài sản dữ liệu về ngôn ngữ, văn hóa sau hàng thập kỷ số hóa và người dân sẵn sàng sử dụng các nền tảng di động. Thứ hai là đội ngũ nhân sự, và thứ ba là hạ tầng.

Tuy nhiên, sau khi có đủ thành phần, Việt Nam cần có tầm nhìn và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ mới. Đại diện Nvidia cho rằng từ đội ngũ kỹ sư hiện tại, Việt Nam có thể đào tạo nâng cao năng lực để phục vụ phát triển AI và Nvidia sẽ cùng tham gia quá trình này.

Trước khi tạm biệt Việt Nam, Chủ tịch Jensen Huang từng nói, “Đây là lần đầu tiên Nvidia đến Việt Nam nhưng sẽ là khởi đầu mở ra những lần tiếp theo”.

Chỉ 4 tháng sau, Việt Nam lần thứ hai tiếp đón một lãnh đạo của tập đoàn chip trị giá hơn 1.200 tỉ USD. Phó Chủ tịch Keith Strier đặt chân đến Việt Nam, mang theo nhiều kế hoạch để đưa cam kết “biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia” thành hiện thực.

Sau một ngày làm việc, đến ngày 23/4, Nvidia và FPT công bố dự án 200 triệu USD thành lập AI Factory tại Việt Nam. Nhà máy không sản xuất phần cứng mà tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển AI, hoạt động dựa trên bộ ứng dụng và khung công nghệ Nvidia AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core.

Ông Keith Strier, Phó chủ tịch Nvidia, tại lễ ký kết với FPT ngày 23/4 ở Hà Nội.

Ông Keith Strier, Phó chủ tịch Nvidia, cho biết một trong những giá trị dẫn lối thành công nằm ở con người và văn hóa. Việt Nam có tinh thần văn hóa dân tộc sâu sắc, có trách nhiệm với tương lai và có khả năng lãnh đạo. “Chúng tôi thấy Việt Nam sẵn sàng cho tương lai. Jensen Huang nói công ty nên trở lại Việt Nam và mở rộng kinh doanh. Đó là lý do chúng tôi ở đây hôm nay”, ông Strier nói.

Ông nhận định tầm nhìn của FPT phù hợp với định tương lai của Nvidia, do đó họ quyết định hợp tác để “cùng nhau thực hiện ước mơ tiến về phía trước”.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, chia sẻ: “Nvidia và FPT sẽ cùng xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho tương lai – nền tảng siêu điện toán AI để thúc đẩy sự tiến bộ của con người. Tương lai tuyệt vời đang đến và FPT muốn có mặt ở đó”.

Những quyết định có thể nói là khá nhanh chóng của Nvidia khi đặt chân đến Việt Nam như một lời tái khẳng định cho tiềm năng của ngành công nghệ và bán dẫn nước ta. Hợp tác giữa Nvidia và FPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Điều này phản ánh cam kết của Chính phủ trong việc đẩy mạnh sự phát triển công nghệ và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, người ta ví những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những “hạt gạo” bởi nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khoá cho các công nghệ số trong tương lai.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia.

Đến nay, Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,… (khoảng trên 40 công ty). Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…

Tất nhiên, triển vọng việc làm nhân lực ngành này, đặc biệt là các kỹ sư trẻ, là rất to lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu bức thiết cho Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới. Đó là một nhiệm vụ, thách thức

không hề nhỏ cho công tác đào tạo, phát triển nguồn lực của Việt Nam.

Sẽ cần có một lộ trình cụ thể, được tính toán khoa học để vừa đảm bảo cả về lượng và chất. Không chỉ cần số lượng lớn, mỗi kỹ sư công nghệ thông tin mới của Việt Nam trong tương lai sẽ cần được trao hành trang đầy đủ để có thể cạnh tranh với sự phát triển chóng mặt của các nước bạn như Malaysia, Indonesia, Singapore… Mỗi một nhà khoa học, kỹ sư sẽ là viên gạch để đưa nước ta lên bản đồ bán dẫn toàn cầu, như mục tiêu của Bộ KH&CN.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều