Phó bí thư TP.HCM: Nhiều bệnh nhân cần điều trị, tạo áp lực rất lớn
“Càng ngày càng đông người cần điều trị, chuyển nặng và nặng hơn, trong khi trang thiết bị, nhân lực có giới hạn, tạo ra áp lực rất lớn”, Phó bí thư Phan Văn Mãi chia sẻ.
Tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 là hai vấn đề được Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi dành nhiều thời gian chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 5/8.
Theo ông Mãi, đây là 2 việc mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố và các cấp đang rất lưu tâm và tập trung giải quyết.
Các tầng điều trị 3-5 hoạt động gần hết công suất
“Càng ngày càng đông người cần điều trị, chuyển nặng và nặng hơn, trong khi trang thiết bị, nhân lực có giới hạn, tạo ra áp lực rất lớn”, ông Mãi chia sẻ.
Thành phố không chỉ tăng nguồn lực về mặt cơ học mà còn phải tổ chức lại để phối hợp tốt hơn, thậm chí có quy trình phải cải tiến, rút ngắn để tiết kiệm thời gian. Ông Mãi khẳng định dù được Trung ương tăng cường nguồn lực, thành phố duy trì tinh thần “5 tại chỗ”.
Phó bí thư cho biết trong 5 tầng điều trị của thành phố, tầng 3 và 4 hiện là những nơi chịu rất nhiều áp lực. “Hôm nay, theo báo cáo của Sở Y tế, tầng 3, 4, 5 gần như đã hoạt động hết công suất”, Phó bí thư nói.
Thông tin về tình hình điều trị, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết tính đến 7h ngày 5/8, TP.HCM đang điều trị 33.378 trường hợp. Trong đó, 2.070 người cần được hỗ trợ hô hấp; 1.331 trường hợp nặng, trong đó có 39 trường hợp cần lọc máu, 15 trường hợp phải sử dụng ECMO.
Tính đến nay, thành phố có 193 cơ sở cách ly F0 tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức với tổng công suất 53.617 giường. “Đây là con số góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến cũng như bệnh viện điều trị Covid-19”, ông Hưng nói.
Thông tin về mô hình 5 tầng điều trị, ông Hưng cho biết từ tầng 2 tới tầng 5 hiện có tổng cộng 45 cơ sở, bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập đã chuyển đổi công năng toàn bộ hoặc một phần sang điều trị bệnh nhân Covid-19, như: Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Quốc tế City…
Cụ thể, tổng số bệnh viện tại từng tầng điều trị, công suất mỗi tầng và số bệnh nhân đang điều trị như sau.
Tập trung năng lực ở 2 khía cạnh
Làm rõ quan điểm “đếm ca dương không còn ý nghĩa lớn” từng đề cập tại buổi họp báo hôm 3/8, ông Phan Văn Mãi khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc thành phố không quan tâm đến ca mắc mới hay biện pháp ngăn ngừa nguồn lây. Vấn đề là thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn tới ca cần điều trị, có nguy cơ tử vong để tập trung nguồn lực, có giải pháp làm tốt hơn công tác điều trị. Trong khi đó, các biện pháp ngăn nguồn lây vẫn phải thực hiện triệt để.
Hiện, thành phố tập trung hết năng lực ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là tổ chức lại, xem xét quy trình nào rút ngắn được để có thêm không gian tiếp nhận, điều trị, nhất là sơ cứu, cấp cứu. Thứ hai là liên thông giữa các tầng, ví dụ như bệnh nhân trở nặng thì chuyển lên tuyến trên thế nào và nhẹ thì chuyển xuống tuyến dưới ra sao.
Ông Mãi khẳng định thành phố sẽ điều chỉnh hàng ngày sao cho hợp lý, khoa học để tiếp nhận nhiều hơn, nhanh hơn bệnh nhân có nhu cầu cấp cứu, điều trị. Các tầng đều nâng cao năng lực tiếp nhận để rút ngắn, siết chặt, mở rộng năng lực tiếp nhận mới.
Thứ nhất, thiết lập thêm 5-10 giường ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, TP Thủ Đức để tập trung phục vụ nhu cầu cấp cứu.
Thứ hai, thành phố đang chuyển thêm 3 bệnh viện điều trị Covid-19 từ tầng điều trị thứ 2 lên tầng 3. Như vậy, tầng 3 sẽ được tăng năng lực tiếp nhận thêm 1.000 giường và cố gắng hoàn thiện cuối tuần này.
Bên cạnh 4 bệnh viện đang triển khai tại tầng 5, ông Mãi cho biết Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã đạt quy mô 500 giường và đang khẩn trương mở rộng 1.000 giường theo kế hoạch. Đây là tầng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực hồi sức. Ông Mãi cho biết thành phố đang vướng ở vấn đề nhân lực và trang thiết bị.
Phó bí thư thừa nhận do nhu cầu cấp cứu càng ngày càng lớn, có thời điểm cơ sở y tế chưa tiếp nhận được. Do đó, hình thức trạm phản ứng nhanh, nơi đầu tiên tiếp nhận nhu cầu cấp cứu, đóng vai trò quan trọng với người bệnh.
Về tình hình giãn cách xã hội, ông Mãi cho biết chiều 4/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá việc chấp hành giãn cách xã hội của thành phố rất tốt qua quan sát sự di chuyển của người dân. Nhờ ý thức của người dân, tinh thần tự quản của cộng đồng, việc mở rộng vùng xanh hiện có kết quả.
Các hoạt động như giãn cách, điều trị, chăm lo đời sống người dân đã đi vào nền nếp, vận hành bài bản và giải quyết được các hạn chế, vướng mắc trước đây.
“Đây là điều chúng tôi thấy có bước tiến. Tất nhiên còn nhiều việc, mỗi ngày lại có thêm việc mới phát sinh. Nhưng việc gì phát hiện thì thành phố có sự điều chỉnh, khắc phục”, ông Mãi khẳng định.
Phó bí thư nhận định trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải dừng lại, nhiều người dân không có thu nhập, tích lũy cạn dần, tạo ra sức ép lên đời sống của bà con. Thành phố đã huy động mọi nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp và trong dân.
“Thành phố chưa đến nỗi thiếu nguồn lực nhưng làm sao phát biện bà con cần giúp đỡ để mang nguồn lực tới từng người. Nhu cầu phát sinh mới ngày càng lớn nên thành phố cần biết bà con ở đâu để đáp ứng”, ông nói.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8.
Từ 27/4 đến sáng 5/8, TP.HCM ghi nhận 108.379 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.
Thu Hằng – Thư Trần