Pháp ngày càng “nóng” vì cải cách của Tổng thống Macron
Với 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống, Thượng viện Pháp ngày 11/3 thông qua kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, theo đó ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp ở nước này từ 62 lên 64.
Chính phủ khẳng định kế hoạch cải cách của họ là cần thiết để đảm bảo hệ thống lương hưu không cạn tiền, do đó chính phủ sẽ không lùi bước. Thượng viện sẽ tiếp tục xem xét dự luật cải cách cuối tuần này và có thể tiếp tục bỏ phiếu vào tối 12/3, tiến gần hơn đến việc ban hành luật mới.
Theo hãng tin Reuters, cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở cả hai viện có thể sẽ diễn ra vào 16/3. Kế hoạch cải cách lương hưu của ông Macron cần được sự chấp thuận của Hạ viện Pháp, nơi có thể không dễ dàng nhận được sự ủng hộ của đa số.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu và đề xuất thay đổi về lương hưu vấp phải sự phản đối gay gắt từ từ nhiều bộ phận trong xã hội Pháp. Các chính trị gia cánh tả bày tỏ sự tức giận sau khi Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ cải cách này.
Tuy nhiên, chính phủ Pháp hy vọng những cải cách về hưu trí sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh các cuộc đình công và biểu tình quy mô lớn đã khiến nhiều lĩnh vực rơi vào tình trạng bế tắc, khi nhân viên khu vực công và những người lao động khác phản đối kế hoạch lương hưu.
Suốt nhiều ngày liền, gần 4 triệu người Pháp bao gồm giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên đường sắt nằm đã biểu tình trên toàn nước Pháp. Họ tức giận về kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của chính quyền Tổng thống Macron.
Trong ngày 11 và 12/3, người dân Pháp tiếp tục đi biểu tình phản đối kế hoạch của Tổng thống Macron.
Trong một tuyên bố chung, các công đoàn Pháp, duy trì sự đoàn kết hiếm thấy kể từ khi phong trào biểu tình được phát động vào cuối tháng 1, kêu gọi chính phủ tổ chức “tham vấn công chúng” càng sớm càng tốt.
Trong tuần này, ông Macron đã hai lần từ chối các cuộc gọi khẩn cấp từ các công đoàn trong nỗ lực cuối cùng để khiến ông thay đổi quyết định.
Các cuộc biểu tình rầm rộ của người lao động Pháp đã làm gián đoạn hoạt động của ngành đường sắt, trường học phải đóng cửa và thậm chí làm gián đoạn cả nguồn cung cấp điện.
“Đó là một vấn đề lớn của xã hội. Bạn có muốn nghỉ hưu ở tuổi thường ốm đau, bệnh tật hay thậm chí là cả cái chết hay không?”, trang NHK dẫn lời một người biểu tình phản đối tăng tuổi nghỉ hưu ở Pháp.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 368.000 người biểu tình đã tuần hành ở nhiều thành phố khác nhau. Cảnh sát trước đó dự kiến có tới 3 triệu người tham gia các cuộc tuần hành.
Hồi đầu tuần, có tới 1,28 triệu người xuống đường, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu phong trào biểu tình.
Công ty đường sắt quốc gia SNCF, dịch vụ đường sắt đã bị gián đoạn nặng nề do hoạt động biểu tình. Tuy nhiên, hệ thống tàu điện ngầm và các dịch vụ vận tải công cộng khác ở vùng Ille-de-France, trong đó có thủ đô Paris, vẫn hoạt động như lịch trình.
Tại thủ đô Paris, rác tiếp tục chất đống trên đường phố và người dân thấy ngày càng có nhiều chuột.
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông và bắt giữ một số người biểu tình. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo công đoàn nói rằng các cuộc biểu tình “mới chỉ khởi đầu” và sẽ tiếp tục.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Emmanuel Macron vấp phải làn sóng phản đối dữ dội khi tìm cách tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động Pháp như vào năm 2018.
Bảo Trâm