+
Aa
-
like
comment

Phân biệt giữa cơ hội thật và lừa đảo tuyển cộng tác viên online

Bích Vân - 05/04/2024 08:05

Trong thời gian qua, nắm bắt được tâm lý của nhiều người muốn có công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, các nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tuyển cộng tác viên làm việc online với tỷ lệ hoa hồng cao, không ít người đã trở thành nạn nhân của các thủ đoạn này với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng là cho các nạn nhân được hưởng mức hoa hồng cao.

Đừng dại trao hết cho người không biết mặt

Thời gian đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Sau đó, với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng và đã có không ít người đã “sập bẫy” các thủ đoạn này với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng.

Do đó, người dân cần lưu ý nhận biết các dấu hiệu nhận diện và biện pháp phòng tránh lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online.

Nhiều vụ lừa đảo trực tuyến từ cộng tác viên online sàn giao dịch điện tử đến đầu tư chứng khoán, tiền số… 

Vì vậy, để tránh bị lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online, người dân cần đặc biệt cảnh giác trước những lời mời gọi “việc nhẹ lương cao”.

Thứ nhất, yêu cầu tạm ứng tiền: Nếu bạn được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, hãy cảnh giác. Lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền của bạn mà không cung cấp công việc thực tế.

Thứ hai, yêu cầu thông tin tài khoản cá nhân: Yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm của bạn với bất kỳ ai mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ.

Thứ ba, trang thanh toán đơn hàng không an toàn: Kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay “https://” trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của bạn có thể bị đánh cắp.

Thứ tư, quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng: Lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bạn trước khi tham gia.

Thứ năm, thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ: Người dân cần kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo. Thiếu hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng: Khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thoả thuận liên quan. Nếu không có hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng, bạn có thể gặp rủi ro bị lừa đảo.

Và quan trọng là phải kiểm tra về đánh giá và phản hồi tiêu cực luôn trao đổi với người dùng khác và tìm hiểu về kinh nghiệm của họ với chương trình tuyển cộng tác viên mà bạn quan tâm. Nếu có nhiều phản hồi tiêu cực hoặc đánh giá không tốt, hãy cân nhắc trước khi tham gia.

Thiết nghĩ, để không trở thành nạn nhân, người dân nên cảnh giác trước việc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các trang mạng xã hội. Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, người dân phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cảnh giác cao độ với các chiêu trò lừa đảo

Mới đây nhất, Bộ Công an một lần nữa đã phát đi thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các trang web, Facebook giả mạo các sàn thương mại điện tử tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn Zalo để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng, nhận đơn hàng, hưởng mức hoa hồng cao. Nội dung thông tin của Bộ Công an nêu rõ: “Hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”.

Như vậy có thể thấy, để không trở thành nạn nhân, người dân nên cảnh giác trước việc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các trang mạng xã hội. Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, người dân phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bích Vân 

Bài mới
Đọc nhiều