Phải xử lý dứt điểm 12 ‘đại dự án’ thua lỗ
Nói về 12 “đại dự án” thua lỗ của ngành Công Thương thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Phải xử lý dứt điểm”.
Ngày 26/7, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị BCH mở rộng lần thứ 17 của Đảng Bộ Khối doanh nghiệp Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, nhắc đến 12 đại dự án “đắp chiếu, thua lỗ” thời gian qua, ông Bình cho rằng, dự án thua lỗ thống kê thậm chí nhiều hơn con số đó.
Theo ông Bình, Nghị quyết Trung ương yêu cầu năm 2018 phải xử lý cơ bản và đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm tồn tại ở 12 đại dự án nói trên. “Giờ là năm 2019, thử hỏi chúng ta đã xử lý cơ bản chưa? Qua nắm bắt sơ bộ tôi thấy là chưa cơ bản…”- ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng, thông tin một số dự án đã bắt đầu có lãi, đó là do thị trường. Còn cái xử lý các yếu kém, tích tụ thời gian qua là chưa thực hiện. Vì thế, nên các dự án có lãi cũng “chấp chới.”
Ông Bình cho rằng, cần phải đánh giá lại thực chất việc cơ cấu các dự án này, với cơ chế chính sách đã có, liệu có làm được không, vướng mắc ở đâu, xử lý thế nào?
“Một người ốm thì phải ra sức cứu chữa cho người ta nếu thấy họ có khả năng khỏe. Còn cái nào mà yếu quá, vô phương cứu chữa thì cũng phải xử lý nhanh gọn, dứt điểm”, ông Bình nói.
Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương, chúng ta quản lý vốn Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì phải có tầm nhìn về lợi ích lâu dài, vì lợi ích của Nhà nước.
“Bây giờ, DN không phải không có cơ cứu chữa. Muốn cứu chữa thì phải có thuốc thang, tức phải có tiền, mà vốn từ ngân sách. Chẳng hạn dự án đó giá trị 100 đồng, nếu bỏ 2 đồng nữa thì ông ấy khỏe, có thể cứu được cả trăm đồng, nếu không cứu thì mất cả trăm đồng…”- ông Bình phân tích.
Nói về Nghị quyết 12, Hội nghị Trung ương 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Bình cho rằng, đây là nghị quyết hay, đúng, trúng và có tầm nhìn ít nhất khoảng 10 năm tới. Nếu thực hiện một cách phù hợp, đúng đắn, đồng thời triển khai tốt, Nghị quyết sẽ tạo cơ sở cho DNNN phát triển rất tốt.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vừa rồi dư luận xã hội có vẻ không thiện cảm với DNNN. Do vậy, cần phải tổ chức triển khai quyết liệt Nghị quyết 12 để lấy lại hình ảnh của DNNN. Bởi, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là kinh tế Nhà nước vẫn là chủ đạo, trong đó DNNN là một bộ phận quan trọng của kinh tế Nhà nước.
Theo ông Bình, Nghị quyết 12 nói rất rõ, DNNN tập trung vào các lĩnh vực cốt yếu, an ninh quốc phòng, lĩnh vực tư nhân không làm. “Chủ đạo không phải cái gì cũng làm, phải có tính định hướng dẫn dắt. Các lĩnh vực tư nhân làm được thì cho tư nhân làm, DNNN cổ phần hóa, thoái vốn”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho biết, Nghị quyết 12 ra đời tập trung xử lý khâu quản trị của DNNN, nhưng qua 3 năm qua, khâu quản trị của DNNN chưa có gì thay đổi về cơ bản. Cơ chế quản trị, cơ chế tài chính chưa xử lý được, sẽ ảnh hưởng đến cơ chế cán bộ, đặc biệt là tuyển chọn người tài “đầu quân” cho các DNNN.
“Trong Nghị quyết nói rõ phải thay đổi cơ bản cơ chế tài chính cho DNNN để làm sao cho DNNN cạnh tranh bình đẳng trên cùng một mặt bằng pháp luật với các thành phần kinh tế khác, liệu chúng ta đã làm chưa? Hay vướng chỗ nào sửa mỗi chỗ đấy, sửa mãi. Nếu không có thay đổi toàn diện thì nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao”, ông Bình đặt vấn đề.
Lấy hình ảnh từ câu chuyện phỏng vấn của phóng viên với “hai ông” DNNN và DN tư nhân, ông Bình cho rằng, “hai ông” đó đang “mơ về nhau”. Khi hỏi doanh nghiệp tư nhân thì mơ ước được có cơ chế như DNNN, nhưng sang phỏng vấn DNNN thì lại bảo mơ được cơ chế như DN tư nhân.
“Qua cái mơ đó, chúng ta thấy rằng, có điều gì đó là điểm chung, là lợi thế, nếu chúng ta biết tận dụng thì ta phát huy được. Cái lớn nhất của kinh tế tư nhân mơ về DNNN chính là cơ chế phân bổ các tài nguyên, nguồn lực. Nhưng ông DNNN nói với nguồn lực đó, mà được cơ chế như tư nhân thì nhất. Đấy chính cái Nghị quyết 12 là giải quyết mơ ước đó cho DNNN”, ông Bình nói.
Theo Đảng ủy Khối DN Trung ương, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh doanh toàn khối tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt trên 885,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 64,35 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% và nộp ngân sách 125 nghìn tỷ đồng, tăng 1,62%.
Một số tập đoàn, tổng công ty có chuyển biến tốt về kết quả kinh doanh, lợi nhuận vượt kế hoạch và tăng 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tinh hình việc làm và thu nhập của người lao động trong khối được duy trì ổn định.
Tuy nhiên, đến nay còn ba đơn vị trong khối kinh doanh thua lỗ là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.
Đến nay, một số đơn vị tiến hành cổ phần hóa chậm, việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước ở một số đơn vị về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhước (SCIC) còn chậm hơn so dự kiến.
(Theo Tiền Phong)