Ông Võ Văn Thưởng: Nông sản phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải đợi giải cứu!
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng cần đẩy mạnh tu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ giải cứu. Người nông dân có thể ngủ ngon lành mà không sợ nông sản hôm sau mất giá.
Ngày 19-1, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo) và Văn Phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Nghị quyết 26).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.
Hai phương án nghị quyết tam nông mới
Để đảm bảo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào những nội dung chủ yếu như đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết về những thành công và hạn chế.
Đặt ra những quan điểm, mục tiêu, giải pháp nào phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới cho từng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thay mặt Ban chỉ đạo, trình bày báo cáo tổng kết Nghị quyết 26, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
“Nông dân, người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển; là lực lượng quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới phồn vinh”- ông Nguyễn Duy Hưng nói và nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới hiện đại và phát triển kinh tế nông thôn gắn với đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội phải chú trọng cơ cấu lại lao động, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”.
Ban Chỉ đạo kiến nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới với tên gọi theo 2 phương án: Phương án 1: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phương án 2: Nghị quyết hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Ngân hàng tiếp tục hướng dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đồng tình việc cần có Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp tình hình mới.
Ông Phạm Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị cần đầu tư nhiều hơn, có đủ nguồn lực tín dụng. Theo ông Tấn, thời gian qua, một số chính sách được ban hành nhưng không bố trí nguồn lực nên chưa thể đi vào cuộc sống hiệu quả nhất.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, nêu năng suất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng 44% so với Thái Lan và 30% so với Trung Quốc. Ông Sơn đề nghị cần có chiến lược phát triển cây trồng, vật nuôi trong tương lai, đồng thời bổ sung giải pháp nhầm nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng sản phẩm, mở rộng rộng thị trường bền vững giải bài toán “được mùa, mất giá” cho bà con nông dân.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, đề nghị bổ sung chính sách phù hợp thực tiễn vì người dân… vẫn chưa tiếp cận được nhiều chính sách như tích tụ ruộng đất, chính sách đầu tư cho ngành.
Giải đáp đề xuất của lãnh đạo các tỉnh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết về tín dụng dành cho tam nông trong 15 năm qua, ngành ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong lĩnh vực đặc biệt ưu tiên. Chính vì thế, ngân hàng luôn hướng dòng vốn vào lĩnh vực này. Theo đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn luôn có mức tăng trưởng cao, bình quân trong giai đoạn 2008 -2020 tăng 18,6%, trong khi mức tăng chung của cả nước chỉ 16%. Cuối năm 2021, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 2,3 triệu tỉ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thuộc đối tượng ưu tiên tối đa là 4,5%.
“Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục hướng dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn duy trì tỉ lệ khoảng 25-30% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tín dụng tập trung vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã, những sản xuất quy mô lớn”- ông Tú cam kết.
Ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh, dự địa lớn của nền kinh tế Việt Nam. Ông Cường phân tích dân số thế giới ngày càng tăng và Trung Quốc, Ấn Độ… trở thành nước trung lưu, đây là dư địa rất lớn để cung ứng nông sản.
“Trong khi các nước tốc độ đô thị cao, còn Việt Nam có nông thôn còn giữ được, đây là thế mạnh, dư địa rất lớn cho phát triển du lịch xanh. Chỉ tiêu tăng trưởng thu nhập nông dân phải tăng ít nhất 3 lần”- ông Cường dự báo.
Cựu Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị bổ sung chỉ tiêu tăng cường xuất khẩu nông sản để Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu nông sản là 80 tỉ USD vào năm 2030. Ông Cường cho rằng chỉ tiêu này là có cơ sở đạt được vì bình quân những năm qua tăng 3,3 tỉ USD/năm.
Về giải pháp lâu dài, ông Cường kiến nghị cần bám sát cam kết của Việt Nam tại Cop26, với mức phát thải bằng không vào năm 2050.
“Nông nghiệp là lĩnh vực phát thải lớn thứ 2 sau năng lượng nếu có mục tiêu bao trùm cùng với giải pháp, chính sách, nguồn lực hữu hiệu đi theo sẽ biến ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Đây chính là thế mạnh vượt trội của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới”- ông Cường nhấn mạnh.
“Người nông dân ngủ ngon lành mà không sợ nông sản hôm sau mất giá”
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết và ban hành 1 nghị quyết mới của Ban chấp hành trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết mới phải giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà đại hội 13 đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Ông Võ Văn Thưởng lưu ý nguyên tắc ra nghị quyết mới phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì đã làm hay thì tiếp tục phát huy. Đồng thời, giải pháp để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém. Đặc biệt là thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
“Người nông dân an tâm và có thể làm giàu trên đất mà nhà nước đã giao hoặc là tạo điều kiện thực hiện điều mà bấy lâu nay chúng ta vẫn mơ ước là ly nông nhưng không ly hương. Thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ đợi để giải cứu”- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Nhấn mạnh nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp, môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững và đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ: “Nếu lãng mạn hơn chúng ta có thể suy nghĩ tới các điệu hát then, dân ca quan họ, các chiếu chèo, các câu vọng cổ mùi mẫn vẫn được ngân lên ở các làng nông thôn mới vào mỗi buổi chiều. Người nông dân có thể ngồi nhâm nhi vài nhi rượu, ngủ ngon lành mà không sợ nông sản hôm sau mất giá, không sợ thiếu tiền đóng học phí cho con”.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp thu chắt lọc kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết để phấn đấu đến tháng 3-2022 trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tiếp tục hoàn thiện đến tháng 5 trình Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua thì văn bản hóa ngay và triển khai cụ thể.
Thế Dũng