+
Aa
-
like
comment

Ông Võ Văn Thưởng: ‘Nhiều văn nghệ sĩ còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề’

02/01/2020 14:59

Sáng 2-1, ông Võ Văn Thưởng – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương đã đến thăm và chúc tết các Nghệ sĩ nhân dân, nhà khoa học đang sinh sống ở TP.HCM.

Nhiều anh chị văn nghệ sĩ dù có đam mê, sáng tạo, lao động miệt mài nhưng rất khó khăn sống với nghề. Việc này không chỉ là băn khoăn, trăn trở của anh chị em nghệ sĩ mà cũng là trăn trở của người làm công tác lãnh đạo, quản lý. Chúng tôi luôn mong muốn văn nghệ sĩ mình có đời sống ngày càng khá hơn. Quan trọng nhất là sống được bằng nghề.

Ông Võ Văn Thưởng – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương

Tại buổi thăm, chúc tết NSND Đinh Bằng Phi (ở quận 3, TP.HCM), ông Thưởng chia sẻ, các nghị quyết của Đảng luôn đề cao phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Dù đất nước có phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào nữa các loại hình truyền thống luôn có giá trị to lớn, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, văn hóa con người Việt Nam.

Ông Võ Văn Thưởng bày tỏ, lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ rất nghiêm túc, vất vả, nhiều sáng tạo, luôn trăn trở và có những đóng góp, cống hiến to lớn.

Đảng và Nhà nước luôn luôn đề cao, quan tâm và có chủ trưởng bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, cơ chế chính sách chưa thật thuận lợi để tạo điều kiện tốt nhất cho văn nghệ sĩ. Nhiều văn nghệ sĩ đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề.

Ông Thưởng mong muốn ông Phi và các văn, nghệ sĩ sẽ luôn truyền lòng say mê, yêu nghề với thế hệ trẻ. Điều lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn trăn trở là thế hệ tiếp nối sẽ ra sao khi duy trì và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Làm sao các thế hệ trẻ cũng biết, cảm thụ, thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống có thể hiểu thêm về con người, văn hóa Việt Nam.

Ông Võ Văn Thưởng: Nhiều văn nghệ sĩ còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề - Ảnh 3.
Ông Võ Văn Thưởng trò chuyện với vợ chồng Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà – Ảnh: TIẾN LONG

Tại buổi thăm và chúc tết Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Đại học Sư phạm TP.HCM), ông Thưởng chia sẻ, nghị quyết 59 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng đã góp phần thay đổi nhận thức, nhấn mạnh chuyển đổi từ giáo dục kiến thức sang phát triển năng lực bản thân của mỗi người học.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu hội nhập quốc tế. Nói giảm tải nhưng việc dạy và học vẫn nghiêng về kiến thức.

Ông Lê Ngọc Trà cho rằng, bất cập trong phương pháp, định hướng dạy học ở các cấp trung ương đã thấy. Tuy nhiên hiện nay, giáo dục nước ta vẫn chú ý đến truyền đạt kiến thức tập trung vào phát triển con người.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà chia sẻ thêm: “Nghệ thuật sản sinh ra tác phẩm hay cũng như sinh người đẹp. Đâu phải cha mẹ mong muốn mà được. Do vậy, cấp trên cứ bình tĩnh, quan trọng nhất là tạo đời sống phát triển, cởi mở để ai cũng được phát huy tài năng của mình. Bấy giờ tác phẩm lớn lúc nào đó sẽ xuất hiện”.

Theo ông Trà, điều cần quan tâm nhất trong phát triển văn hóa, nghệ thuật là phát triển là tinh hoa. Xã hội, nhà nước cần đầu tư vào tinh hoa. Nhà nước phải mở cánh cửa rộng để văn hóa, nghệ thuật phát triển. Trong đó quan trọng nhất là phải trân trọng, bồi dưỡng và sử dụng tài năng.

TIẾN LONG/TT

Bài mới
Đọc nhiều