Ông Võ Văn Thưởng: ‘Làm tốt là gốc, truyền thông tốt là ngọn’
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cho rằng, kinh tế tài chính ai tham gia là người hiểu và nắm vững vấn đề thì mới nói được, còn lĩnh vực khoa giáo thì cấp độ nào cũng nói được.
Sáng 18.7, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội nghị công tác khoa giáo Đảng 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đánh giá, công tác khoa giáo của Đảng trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều nỗ lực và một số ngành đạt kết quả khá tốt.
Trưởng ban Tuyên giáo lưu ý, từ giờ tới cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Ban Bí thư sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực khoa giáo.
Theo ông Thưởng, thời gian qua, việc quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
“Nhiều đồng chí cấp uỷ, địa phương, bộ ngành khi phát biểu đề cập vấn đề gì đó khó thì hay đề nghị là Đảng cần phải có chủ trương, nghị quyết, cần phải bàn, thì giở ra xem lại trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng thì đều có rồi, nhưng trong quá trình thể chế hoá và thực hiện chúng ta không bám sát”, ông Thưởng nêu.
Một lưu ý khác cũng được Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề cập là vấn đề dự báo tình hình và chủ động thông tin trong công tác khoa giáo.
“Tôi cũng rất chia sẻ là đối với kinh tế, tài chính, ông nào tham gia là ông hiểu và nắm vững vấn đề thì mới nói được, còn lĩnh vực khoa giáo chúng ta thì cấp độ nào cũng nói được. Nhà nào cũng có người phải vào bệnh viện nên cấp độ nào cũng có thể nói về y tế. Nhà nào cũng có người đi học nên cấp độ nào cũng có thể nói về giáo dục… ”, ông Thưởng phân tích.
Ông Thưởng đề nghị lĩnh vực khoa giáo phải dự báo được tình hình, chủ động thông tin, đồng thời phải có cơ chế thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư lưu ý, làm tốt là gốc, truyền thông tốt là ngọn, do đó nếu làm dở mà làm truyền thông tốt cũng không vững bền.
“Tôi ngồi ở đây nghe nói ngành này ngành kia, bộ này bộ kia, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia làm truyền thông tốt là tôi cũng chạnh lòng”, ông Thưởng nói, và lý giải thêm vì sau cụm từ “làm truyền thông tốt” bao giờ cũng có chuyện không tốt.
“Nhiều người nói cái bộ này, doanh nghiệp này tùm lum chuyện mà truyền thông tốt quá thì tức là có vấn đề”, ông Thưởng nói thêm.
Cân nhắc chính sách rộng mở hơn để thu hút nhân tài
Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, lĩnh vực khoa giáo là lĩnh vực nhạy cảm, tác động mọi tầng lớp xã hội, dễ phát sinh thành điểm nóng nên các ngành phải có tinh thần cầu thị, thẳng thắn, nhìn thẳng bản chất vấn đề để phối hợp xử lý.
Theo ông Thưởng, đối diện vấn đề mà không nhìn thẳng, khách quan, để giải quyết thì sẽ dẫn tới biện hộ, bao biện, làm bùng thêm dư luận. Có những vấn đề làm đúng rồi nhưng phối hợp không tốt thì rất khó.
“Anh em ngồi hay nói là không khéo mọi câu chuyện của chúng ta dễ trở thành “mồi nhậu” cho mạng xã hội”, ông Thưởng nói và đề nghị rất cần chú ý vấn đề này.
Dẫn ví dụ xử lý các vấn đề của ngành giáo dục – đào tạo trong thời gian qua, ông Thưởng cho biết, đã có lúc ông mời cả Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục – Đào tạo đến để mổ xẻ, phân tích vấn đề, phối hợp định hướng thông tin, nhưng bên ngoài không biết.
Trưởng ban Tuyên giáo cũng cho rằng, có một số vấn đề cụ thể trong lĩnh vực khoa giáo nhưng mang ý nghĩa chiến lược, cần phải giải quyết để góp phần xây dựng văn kiện Đại hội 13, hay thiết lập, xây dựng tổ chức bộ máy trong thời gian tới.
“Chẳng hạn, mình nói là văn hóa soi đường quốc dân đi, rồi đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, nhưng báo cáo hàng năm của các cấp thì người ta vẫn nói đùa là ‘kinh tế trừ xã hội’”, ông Thưởng nói, và giải thích các báo cáo hầu như chỉ có nội dung kinh tế, còn yếu tố văn hóa thậm chí còn bị chìm lấp vào nội dung xã hội.
“Những chuyện nho nhỏ như vậy cũng cần nghiên cứu, xác định cái nào cho trước mắt, cái nào cho lâu dài”, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư lưu ý.
Nhắc tới vấn đề chính sách sử dụng trí thức, nhân tài, xây dựng đội ngũ kế cận, ông Thưởng cho rằng, nhiều năm liền chúng ta có chính sách tăng vài chục triệu tiền lương, cấp cho miếng đất, nhưng hình như không thu hút được nhân tài, không giải quyết được vấn đề này tới nơi tới chốn.
Dẫn ví dụ tại TP.HCM trước đây, ông Thưởng kể, có người trả lương rất cao, thu hút về nhưng không bổ nhiệm trưởng được, vì không đủ điều kiện tiêu chuẩn, đành phải bổ nhiệm phó.
“Nhưng ông phó đi thảo luận với nước ngoài về thì ông trưởng lắc, thế là ông phó thấy mình mất uy tín, ra ngoài nói không được là thôi, nghỉ”, dẫn ví dụ này, ông Thưởng nhận định có nhiều vấn đề đang tắc, cần phải mở rộng hơn mới có thể giải quyết được.
(Theo Thanh Niên)