Ông Võ Văn Thưởng: Hội Nhà văn phải thúc đẩy hòa hợp dân tộc và đời sống dân chủ
Một trong những nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng giao phó là phải thúc đẩy hòa hợp dân tộc thông qua văn học…
Sáng 25-11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng gần 600 đại biểu đại diện cho hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông Võ Văn Thưởng đánh giá vai trò to lớn của văn học đối với nhân dân, với sự nghiệp đầu tranh bảo vệ tổ quốc, với đời sống xã hội.
Ông khẳng định, những trang viết của các nhà văn được viết trong khói lửa các cuộc kháng chiến đã trở thành một di sản lớn của dân tộc. Sau hòa bình, các nhà văn Việt Nam lại tiếp tục đồng hành trong những bước phát triển của đất nước và trong từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân.
Với Hội Nhà văn Việt Nam, qua sự dẫn dắt của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, đã giúp thúc đẩy nền văn học Việt Nam bước lên một bước phát triển mới qua mỗi thời kỳ.
Trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo văn học phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống suy thoái biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức.
Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa mới cũng phải góp phần trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau thống nhất đất nước, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học.
Ngoài ra, Hội Nhà văn phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà văn cũng phải mang lại những giá trị nhân văn cao cả, niềm tin cho con người vào cuộc sống, những giấc mơ đẹp đẽ cho từng thân phận, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Tân chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói ban chấp hành mới sẽ mang đến tư duy, năng lượng mới, ngập tràn cảm hứng sáng tạo tới các nhà văn.
‘Chuyển giao thế hệ ở Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là một kết quả tốt đẹp’
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam hóa X nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu ra ban chấp hành khóa gồm 11 thành viên: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lương Ngọc An, Vũ Hồng, Trần Hữu Việt, Trần Hùng, Phan Hoàng, Bích Ngân.
Trong đó, ông Nguyễn Quang Thiều được bầu giữ chức chủ tịch. Hai phó chủ tịch là ông Trần Đăng Khoa và ông Nguyễn Bình Phương. Cựu chủ tịch Hữu Thỉnh sau 20 năm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm mời ở lại làm cố vấn cho hội ở tuổi 78, vẫn có văn phòng làm việc tại trụ sở hội.
Tân chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cho rằng cuộc chuyển giao thế hệ trong ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lần này là một kết quả tốt đẹp, mang niềm tin của thế hệ đi trước đối với thế hệ tiếp theo.
THIÊN ĐIỂU/TTO