Ông Phạm Minh Chính: ‘Siết kỷ luật nhưng chưa có cơ chế bảo vệ người dám làm’
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng, hiện nay, chúng ta tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhưng chưa có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám đấu tranh.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn nhức nhối
Ngày 27.3, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với sự tham gia của gần 1 triệu đảng viên tại 7.439 điểm cầu từ T.Ư tới cơ sở trên toàn quốc.
Giới thiệu về Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII trình tại Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã phân tích kỹ về những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua.
Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
“Cái này nhiều đại hội chúng ta đưa ra nhưng chúng ta chưa khắc phục được, nhất là việc tổ chức thực hiện. Vừa qua, chúng ta có cố gắng làm được một số việc quan trọng nhưng khâu này vẫn là khâu yếu”, ông Chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động.
“Lâu nay, chúng ta đang ở thế bị động nhiều hơn. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta thấy cũng chủ động hơn. Tuy vậy, tính sắc bén, tính chiến đấu còn hạn chế”, ông Chính lưu ý.
Hạn chế thứ 2 trong công tác xây dựng Đảng, theo ông Chính, là tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ông Chính cho hay, tổng kết nhiệm kỳ XI, Đại hội XII nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”.
Tuy nhiên, ông Chính thông tin, Đại hội XIII nhận định: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng, hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn”.
“Có mấy chữ này thôi nhưng phải nghiên cứu, tổng kết, rồi thảo luận từ cấp dưới lên, cho đến tận Đại hội Đảng toàn quốc mới thống nhất được cái này. So sánh nhận định ở 2 kỳ Đại hội thì như vậy là có tiến bộ”, ông Chính nói.
Tuy vậy, ông Chính lưu ý: “Đây là vấn đề nhức nhối, còn tiếp tục, phải kiên trì, kiên quyết với nó hơn nữa”.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ”
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cũng nhận định, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi nhưng thực hiện còn chưa đồng đều, nhiều địa phương, cơ quan còn trông chờ, có nơi làm tốt, có nơi chưa làm tốt.
“Việc này phải cố gắng hơn nữa”, ông Chính nói và cho biết hiện nay, bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh, chồng chéo, chức năng nhiệm vụ vẫn có những cái chưa được.
Ông Chính dẫn chứng, nhiều nơi vừa qua chỉ chú ý tinh giản cơ học, chưa chú ý nâng cao chất lượng và cơ cấu lại.
“Hai cái này đi song song với nhau thì mới có hiệu quả. Nhiều nơi giảm cơ học bình thường, chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Chỗ này phải khắc phục”, ông Chính nói.
Một vấn đề cũng được ông Chính đặc biệt lưu ý là chưa ban hành được cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo ông Chính, chúng ta tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhưng lại chưa có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám đấu tranh.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương rồi nhưng người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ. Chúng ta cố gắng chúng ta làm”, ông Chính nói.
Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, vừa qua, theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư xây dựng dự thảo cơ chế này và qua nhiều vòng thảo luận song “vẫn thấy chưa yên tâm khi báo cáo Bộ Chính trị”.
“Trong chương trình làm việc toàn khóa của T.Ư XIII cũng đưa ra. Trong năm nay (2021), theo phân công của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ báo cáo sớm cái này”, ông Chính thông tin.
Lê Hiệp