Ông Nguyễn Văn Bình: Không phải nước nào cũng làm được như Việt Nam
Nhắc đến hàng trăm nghìn tỷ vốn tín dụng hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách vay, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây là việc không phải nước nào cũng thực hiện được.
Ngày 15/7, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 được đánh giá là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Đặc biệt, kết quả sơ kết cho thấy tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn. Đây là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương.
Đồng thời, đây là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Kết quả sơ kết nêu rõ nhờ thực hiện tốt các chủ trương huy động vốn đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/10/2019 đạt 211.757 tỷ đồng, tăng hơn 77.000 tỷ đồng so với thời điểm trước ban hành Chỉ thị số 40.
“Không phải nước nào cũng làm được” Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định Việt Nam là một nước đang phát triển và có mức thu nhập trung bình thấp. Bởi vậy, hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam được coi là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo quốc gia, cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
“Đây là việc không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước ta”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Đến tháng 10/2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 212.000 tỷ đồng (xấp xỉ 10 tỷ USD); dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt khoảng 200.000 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD).
“Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây là việc không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam”, ông Bình nhấn mạnh.
Đến nay, ông cho biết đã có trên 10 triệu lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có hơn 2 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững.
Cũng nhờ chính sách này, đã có trên 3,3 triệu hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng nước sạch, 125.000 hộ được vay vốn để xây dựng nhà ở, 315.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, hơn 1 triệu lượt người được vay vốn để tạo công ăn việc làm, 21.000 người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
“Tất cả những con số đó đã nói lên hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc; một giải pháp thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ chúng ta”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Ông Bình cũng lưu ý trong suốt quá trình phát triển của hoạt động tín dụng chính sách, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng chính sách. Với mục đích đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 nhằm kêu gọi sự vào cuộc, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị toàn xã hội trong việc huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động tín dụng chính sách.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhắc đến con số ấn tượng khi tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77.000 tỷ đồng.
Trong đó từ ngân sách Nhà nước đạt trên 10.000 tỷ đồng; từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11.000 tỷ đồng; từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh của Nhà nước đạt trên 41.000 tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21.000 tỷ đồng.
Theo ông Bình, những con số đó đã thể hiện sự vào cuộc hết sức quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Giúp dân vượt nghèo là thước đo đánh giá lãnh đạo
Cảm nhận sự thay đổi từ góc độ của địa phương, Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan ghi nhận hình hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội và hoạt động của tổ tiết kiệm, vay vốn đã giúp cho bộ máy quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội được tinh gọn, quản lý tốt nguồn vốn cho vay.
Theo ông, chính sách hỗ trợ vay vốn đã làm tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, giàu tình thương yêu đùm bọc, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời, giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
“Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cuối năm 2019 xuống còn 2,76%”, Bí thư Đồng Tháp vui mừng chia sẻ.
Trong khi đó, Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng bài học trong thực hiện chính sách này là cán bộ phải biết tổ chức cho người dân.
“Trong quá trình làm, chính đội ngũ cán bộ càng hiểu sâu sắc người dân hơn và bản thân cán bộ hy sinh cho nhân dân, đặc biệt cho người nghèo. Với quan điểm của Hà Tĩnh, chúng ta làm vượt nghèo được cho người nghèo thì chính đó là sản phẩm lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ. Đó chính là thước đo”, ông Sơn nói.
Nhấn mạnh đây là hoạt động tín dụng có tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, Phó chủ tịch Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho rằng để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, yếu tố then chốt chính là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 đến 2019, ông Khánh cho biết đã có trên 216.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn, trên 44.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 1.000 con em đi học tại các trường, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 18.000 lao động…
“Việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn có động lực quan trọng đối với việc giữ đất, gữi biên cương, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới Tổ quốc”, ông Khánh nhấn mạnh.
Thống kê của Thành ủy Hà Nội cũng cho thấy vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã được triển khai thực hiện đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi.
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, đã có trên 487.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội, trong đó có gần 170.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; góp phần giúp 57.000 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo.
Chính sách này cũng cho trên 169.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; giúp 17.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 250.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 3.906 căn nhà cho hộ nghèo…
Hoài Thu/ZNS