+
Aa
-
like
comment

Ông Đinh Tiến Dũng trải lòng về 7 năm 318 ngày làm Bộ trưởng Tài chính

13/04/2021 21:25

“Nếu tính theo nhiệm kỳ, tôi công tác ở Bộ Tài chính 2 nhiệm kỳ. Còn tính theo năm là 9 năm gắn bó với ngành tài chính. Nếu tính đủ năm thì được 7 năm 318 ngày”, nguyên Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Chiều 13/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 đồng thời tổ chức bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính giữa ông Đinh Tiến Dũng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chia sẻ tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng liệt kê quá trình công tác của bản thân từ thời làm Bộ Xây dựng đến nay.

Ông Dũng nói: “Tôi trải qua 5 năm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, 2 năm 154 ngày làm chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, 292 ngày làm Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, 1 năm 295 ngày làm tổng Kiểm toán Nhà nước. Năm 2013, tôi làm Bộ trưởng Tài chính.

Nếu tính theo nhiệm kỳ, tôi công tác ở Bộ Tài chính 2 nhiệm kỳ. Còn tính theo năm là 9 năm gắn bó với ngành tài chính. Nếu tính đủ năm thì được 7 năm 318 ngày. Nói vậy để thấy sự gắn bó của cá nhân tôi với ngành tài chính khá dài, đặc biệt trên cương vị người đứng đầu”, ông Dũng giãi bày.

Ông Đinh Tiến Dũng trải lòng về 7 năm 318 ngày làm Bộ trưởng Tài chính
Bí thư thành ủy Hà Nội và tân Bộ trưởng Tài chính

“Trong quá trình công tác, có lúc rất khó khăn, bản thân trong tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính bàn nhiều, trao đổi nhiều, cuối cùng là thống nhất từ dưới lên trên. Trong suy nghĩ của mình, tôi cho rằng đó là điều hết sức may mắn của cá nhân tôi”, ông Dũng nói.

So sánh thời điểm nhận nhiệm vụ ở Bộ Tài chính ngân sách đang rất khó khăn với tình hình hiện tại, nguyên Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng giờ ngân sách được dư dả như thế này “rất là may”, là thành quả của đất nước ta sau hơn 30 năm Đổi mới, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Đức Phớc, Tân Bộ trưởng Tài chính cho rằng: “Tôi ý thức được rằng ngành tài chính là hết sức quan trọng với sự phát triển của đất nước, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Ngành tài chính tham gia vào các vấn đề thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán, vấn đề phát triển thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đất nước, tăng nguồn thu, đảm bảo nguồn chi, đảm bảo đầu tư phát triển và hiện đại hóa đất nước cũng như tiết kiệm chống lãng phí… “.

“Có thể nói trong tất cả lĩnh vực đều có hình bóng của ngành tài chính”, ông Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Tân Bộ trưởng Tài chính cam kết cùng Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính nỗ lực hết sức duy trì sự đoàn kết, cùng với toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành tài chính nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Báo cáo kết quả quản lý, điều hành nhiệm kỳ 2016-2020 của Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết: Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6,89 triệu tỷ đồng; quy mô thu bình quân đạt khoảng 25,2% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, quy mô chi ngân sách nhà nước được quản lý trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần bội chi; tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 28% GDP (mục tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%; ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Nợ công đã được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn.

Lương Bằng

Bài mới
Đọc nhiều